VOV4.VN - Thực hiện mệnh lệnh công tác: "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, lực lượng biên phòng Kon Tum đã vận động nhân dân xóa bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số trên 2 tuyến biên giới với Lào và Campuchia.
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ biên phòng Kon Tum đã đóng góp công sức rất lớn trong việc xóa bỏ các hủ tục tồn tại nhiều đời nay trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên khu vực biên giới, như:
Tục mẹ chết chôn theo con mới sinh; đến cữ người mẹ phải sinh con ngoài rừng; xóa bỏ lời nguyền không nuôi bò của dân tộc Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy; tục du canh, du cư của người B’râu ở làng Đắc Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi; tục táng treo của người Giẻ triêng ở xã Đắc Long, huyện Đắc Glei; hay làng có người qua đời kiêng 10 ngày không vào rừng, không đi làm ăn xa.v.v.
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Long, xã Đắc Long, huyện Đắc Glei bám dân vận động người dân xoá bỏ hủ tục
Trung tá Lê Hữu Thiên, nguyên Đồn Trưởng Đồn Biên phòng Đắc Long cho biết, một trong những chiến công trên mặt trận văn hóa của cán bộ, chiến sĩ đơn vị là đã giúp người Giẻ Triêng ở xã biên giới Đắc Long xóa bỏ hủ tục táng treo tồn tại hàng trăm năm nay. Hủ tục này không chỉ gây tốn kém về tiền của, thời gian của người dân mà nguy hiểm hơn còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là với trường hợp người qua đời bị bệnh tật truyền nhiễm.
Song
song với việc tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu,
cán bộ, chiến sĩ biên phòng Kon Tum phối hợp với ngành văn hóa địa
phương hỗ trợ, định hướng cho chính quyền, đoàn thể cơ sở và người dân
cùng hợp sức để giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền
thống tốt đẹp, mà điển hình là các lễ hội, như: mừng lúa mới, mừng Nhà
rông mới, sinh hoạt cồng chiêng, xoang…
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Mô Rai cùng người dân làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, vệ sinh đường làng
Gạn
đục khơi trong, đối với những phong tục đẹp song trái với luật pháp
hiện hành, cán bộ chiến sĩ tìm giải pháp tạo nên sự hài hòa giữa các yếu
tố. Trường hợp củi hứa hôn của các cô gái Giẻ Triêng là một ví dụ điển
hình.
Gần đến tuổi trưởng thành, muốn lấy được chồng, các cô gái Giẻ Triêng
phải vào rừng chặt từ 100 - 200 bó củi để thể hiện với các chàng trai về
sự đảm đang, khéo léo của mình. Đây là nét văn hóa đẹp, song xét ở góc
độ quản lý, bảo vệ rừng, là hành vi phạm luật.
Trước mâu thuẫn trên, bộ đội Biên phòng Kon Tum cùng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương vận động giảm số lượng củi và thay thế củi rừng bằng củi bời lời. Thấy bộ đội biên phòng nói đúng, người dân đồng ý đưa nội dung này vào hương ước để thực hiện. Trong đám cưới của người Giẻ Triêng hôm nay, các cô gái vẫn có củi tặng nhà trai mà không vi phạm pháp luật.
Chiến sĩ biên phòng hướng dẫn người dân treo cờ tổ quốc
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ biên phòng Kon Tum đã góp sức rất lớn trong việc giúp bà con gìn giữ hàng trăm bộ cồng chiêng, nhạc cụ gõ, nhạc cụ hơi; vận động mở nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang, chế tác nhạc cụ dân tộc; đóng góp tâm sức xây dựng được 30 làng văn hóa, 20 khu dân cư tiên tiến và gần 5.000 hộ gia đình văn hóa...
Tỉnh
Kon Tum có đường biên giới quốc gia dài hơn 280km tiếp giáp với nước bạn
Lào và Campuchia. Trên dọc tuyến biên giới có 101 thôn làng, với 21 dân tộc cùng sinh sống, trong đó tỷ lệ đồng
bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%.
Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận