Bình Phước đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số
Thứ ba, 00:00, 30/08/2016

(VOV) - Người S'tiêng, người Khmer ở Bình Phước cách đây chưa lâu còn nghèo khó, vất vả, lạc hậu. Nhưng nay thì những vườn điều, tiêu, cao su mọc lên, đã thay đổi cuộc sống của bà con.







 

Sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, những con đường cấp phối đã trải dài; dọc 2 bên đường là những ngôi nhà khang trang như để minh chứng rằng sự khó khăn cùng những hủ tục lạc hậu của bà con đã đi vào dĩ vãng.

 

Già làng Điểu Lên cho biết: “Kháng chiến đã qua, hòa bình lặp lại, bây giờ đời sống của bà con dân tộc S’tiêng ở sóc Bom Bo này đã thay đổi nhiều về kinh tế, xã hội, văn hóa. Đời sống của bà con ngày một phát triển, con cháu được học hành đến nơi đến chốn”.

 

10 năm trước, gia đình anh Điểu Thanh còn bữa no bữa đói. Có gần 4 ha đất, anh đã thử trồng nhiều loại cây khác nhau, nhưng do chăm sóc không đúng kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Từ khi học hỏi kinh nghiệm và được hướng dẫn kỹ thuật, anh Thanh chuyển sang trồng cây cao su, điều cao sản. Hiện nay, diện tích cao su của gia đình anh đang trong thời kỳ khai thác, đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Anh Điểu Thanh nói: “Nói về gia đình cũng trung bình thôi, chỉ trồng mấy cây cao su, cây điều, cây lúa thôi. Người biết nhiều chỉ người biết ít, người biết ít theo học từ từ rồi cũng quen. Phải có người hướng dẫn, chuyển đổi này kia hoặc bán này kia, rồi phải mua, phải đầu tư nữa chứ”.

 

Mô hình xen canh cây mì - cây cao su

 

Cũng như già làng Điểu Lên ở sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, già làng Lâm Hớ ở ấp 4, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cũng vui mừng không kém khi đời sống của bà con Khmer ở ấp này ngày một sung túc. Ông Lâm Hớ cho biết hơn chục năm năm trước đây, đời sống của bà con ấp 4 này hết sức khó khăn, chật vật do canh tác lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xây dựng một số mô hình rồi chuyển giao kỹ thuật lại cho bà con Khmer, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế. Nhờ đó mà nhiều gia đình đã thoát nghèo.

 

Già làng Lâm Hớ đã đưa chúng tôi đi một vòng quanh ấp. Trời đã quá trưa, nhưng nhiều người vẫn mải mê làm bồn cho hồ tiêu. Trong những ngôi nhà xây, nhiều phụ nữ, người già và trẻ em tranh thủ thời gian bóc vỏ hạt điều.

 

Chị Thị Bon, vừa bóc vỏ hạt điều, vừa kể: “Gia đình tôi được cấp 1ha đất trồng mì và 300 cây cao su đã hơn 5 năm tuổi. Năm vừa rồi sau khi bán mì, bỏ ra 15 triệu đồng để khoan giếng, chủ động nguồn nước tưới tiêu, nhờ đó mà gia đình trồng thêm 300 nọc tiêu”. Anh Lâm Thuận chồng chị Thị Bon, khoe rằng vợ chồng anh thuê thêm 2 sào ruộng để trồng lúa lấy gạo ăn. Còn tiền bán mì, để giành mua giống, phân bón chăm sóc cây tiêu.

 

Nhiều gia đình Khmer ở  ấp 4 chí thú làm ăn, đã thoát nghèo. Già làng Lâm Hớ cho biết: “Thủy lợi có rồi, làm lúa lai rai, lỡ bệnh đau thì mình cũng có gạo để ăn. Có gia đình còn nhận bóc vỏ hạt điều, kiếm thêm thu nhập. Cho nên bà con nơi đây tuy chưa là giàu nhưng cũng khá. Ở đây có nhiều gia đình như hộ bà Thị Sarai, nhà bà Thị Mao nhà cửa khang trang và một số gia đình khác nữa”.

 

Tỉnh Bình Phước có gần 183.000 người dân tộc thiểu số, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh, sống đan xen ở 107/111 xã, phường, thị trấn. Từ năm 2017-2014, tỉnh đã tạo điều kiện cho 968 hộ vay hơn 7 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 22.000 hộ về giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, công cụ sản xuất, máy móc phục vụ sản xuất; mở gần 200 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; thực hiện hàng chục mô hình trình diễn vườn điều cao sản và tổ chức nhiều chuyến tham quan cho đồng bào học tập kinh nghiệm sản xuất.

 

Ông Nguyễn Lương Nhân, Phó Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, cho biết: “Ngoài chính sách của trung ương đầu tư thì tỉnh cũng có những chính sách đặc thù bằng ngân sách địa phương là chính để giúp cho đồng bào về đất ở, đất sản xuất, mua sắm công cụ, chuyển đổi ngành nghề, nước sinh hoạt theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn 9 xã đặc biệt khó khăn và 12 xã biên giới, giúp bà con có cơ sở phát triển sản xuất”.

 

 

 

Thụy Sỹ/VOV-TP.HCM

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC