Tại Trà Vinh, từ đầu dịch đến nay có hơn 16.400 hộ dân, với gần 65.000 nhân khẩu bị mất việc làm, mất thu nhập. Hàng hóa nông sản đến kỳ thu hoạch gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.
Với phương châm không để người dân thiếu ăn thiếu mặc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tỉnh Trà Vinh đã chi trên 40 tỷ đồng hỗ trợ 60.422 đối tượng bị ảnh hưởng. Đó là những lao động tự do bị mất việc, các trường hợp F0, F1 … và hiện đang tiếp nhận hồ sơ đối tượng là thợ hồ thuộc thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Bộ tư lệnh Quân khu 9 tặng quà các hộ dân tộc Khmer đặc biệt khó khăn của tỉnh Trà Vinh
Trong khi đó, tổ chức Mặt trận các cấp, các hội đoàn, bằng nhiều hình thức đã vận động gạo, rau, củ, quả, các nhu yếu phẩm hỗ trợ cho người dân ở các khu cách ly, hộ đặc biệt khó khăn cả ở trong lẫn ngoài tỉnh. Hiện các ngành chức năng đang tiếp tục rà soát và xác định còn trên 34.000 người thuộc các đối tượng cần hỗ trợ, với số tiền khoảng trên 51 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Triết, chủ tịch UB MTTQ tỉnh Trà Vinh cho biết, riêng những người lao động, học tập ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang gặp khó khăn nhưng không thể trở về quê, tỉnh đang tăng cường tiếp tế gạo, rau củ quả, nhu yếu phẩm… trong khi UB MTTQ tỉnh phát hành “Thơ Ngỏ” huy động nguồn lực, kêu gọi cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân đóng góp, tiếp sức để hỗ trợ kịp thời đối tượng này.
“Sau khi phát hành thư ngỏ chúng gửi đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân… chia sẻ, ủng hộ nguồn lực để giúp bà con, lao động của Trà Vinh đang kẹt lại ở các tỉnh. Một tuần qua, các địa bàn huyện triển khai hết sức tích cực, huy động lực lượng rồi vận động hỗ trợ và có một số đã được chuyển lên TP.HCM. Rất mong bà con ở ngoài tỉnh yên tâm “ở đâu, ở đấy, tỉnh cố gắng vận động ủng hộ bàn con vượt qua khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách”.
Sóc Trăng trao tiền hỗ trợ cho người bán vé số dạo
Tỉnh Đồng Tháp vừa yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã rà soát thực hiện hỗ trợ người dân đạt được những kết quả quan trọng, giúp người dân vượt qua những khó khăn trong bối cảnh cách ly xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn chậm, đặc biệt việc triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động, người đang điều trị Covid-19, người đang cách ly, hộ kinh doanh theo quyết định vẫn còn chậm.
Trước tình hình đó, tỉnh Đồng Tháp yêu các sở ngành liên quan, các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Theo Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Đồng Tháp, Sở đã có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo ông Phạm Việt Công, Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Đồng Tháp, Sở đã triển khai đến đến các doanh nghiệp, đơn vị và các đối tượng thụ hưởng để kịp thời tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, chi trả tiền hỗ trợ.
"Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo triển khai nhanh chóng, kịp thời chính xác. Triển khai chính sách hỗ trợ đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, Sở Lao động đã có văn bản triển khai, hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ cho các doanh nghiệp trên địa bàn".
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng trao tiền hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng dich Covid-19
Để kịp thời hỗ trợ đối với người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, từ tháng 7 vừa qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức cấp phát tiền hỗ trợ cho người lao động tự do và người bán vé số dạo. Ông Trần Việt Thái, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm cho hay, tại thị xã Ngã Năm, đến nay đã có hơn 90% người lao động thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ đã được trợ cấp.
"Kinh phí hỗ trợ cũng rất mong bà con chia sẻ với chính quyền các cấp. Thời điểm mà khó khăn hiện nay, mong bà con sử dụng đúng mục đích để đảm bảo cuộc sống của bà con được tốt hơn trong giai đoạn hiện nay".
Theo Quyết định ngày 16/7/2021 của tỉnh Sóc Trăng, những lao động tự do bị tạm dừng công việc chính, bị giảm thu nhập tác động đến đời sống sinh hoạt và gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được hỗ trợ một lần là 1,5 triệu đồng/người. Đối với đối tượng là bán vé số lẻ, mức hỗ trợ là 60 ngàn đồng/người/ngày.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Sóc Trăng Đã phê duyệt danh sách lao động tự do và thực hiện chi hỗ trợ cho trên 32.000 người, với kinh phí thực hiện trên 48,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan và các địa phương tổ chức chi hỗ trợ 2 đợt cho hơn 5.000 người bán vé số lẻ, kinh phí thực hiện trên 7,6 đồng.
"Qua đây, tỉnh cũng mong muốn làm sao để Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân đoàn kết, thứ nhất là cùng nhau chung tay phòng chống dịch, thứ hai là tập trung phát triển kinh tế, để đạt mục tiêu kép, là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế cho tỉnh nhà, để góp phần làm hoàn thành Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh". - Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng chia sẻ.
Thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đai dịch Covid-19, đến nay Kiên Giang đã thực hiện xong chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thông báo giảm cho 1.634 đơn vị sử dụng lao động với 50.929 người lao động, số tiền hơn 17 tỷ 476 triệu đồng. Tỉnh cũng đã giải ngân cho 01 doanh nghiệp với số tiền 31.360.000 đồng vay để trả lương ngừng việc cho 04 người lao động.
Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, 15/15 huyện, thành phố đã chi hỗ trợ 12.520 lao động với tổng số tiền 18 tỷ 780 triệu đồng. Ngoài ra, UBND cấp xã đã tiếp nhận hồ sơ của gần 61.126 người lao động tự do.
Riêng 7.200 người bán vé số đã cơ bản được nhận hỗ trợ đầy đủ, kịp thời mỗi người 1,5 triệu đồng từ nguồn của Công ty Sổ xố kiến thiết tỉnh Kiên Giang.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang thực hiện công tác phòng chống dịch, đặc biệt thực hiện theo Quyết định số 1777/QĐ-UBND về áp dụng biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nên việc triển khai thực hiện chính sách gặp rất nhiều khó khăn. Các địa phương kiến nghị tỉnh cần xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ tiền ăn cho những người cách ly từ vùng dịch trở về (Không phải là F0, F1); chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, người có công và đối tượng bảo trợ xã hội.
Thạch Hồng, Lam Hiếu, Phạm Hải, Sa Oanh/CQTT ĐBSCL
Viết bình luận