Chính sách nào cho giáo viên cắm bản?
Thứ năm, 00:00, 28/07/2016

(VOV4) - Để đem con chữ đến cho học sinh vùng cao, hàng nghìn giáo viên cắm bản đã vượt qua những trở ngại của cuộc sống riêng, thậm chí nhường cơm xẻ áo, đồng hành với học sinh. Chính sách dành cho giáo viên ở những nơi này thế nào?

 

Những năm gần đây, Chính phủ đã có Nghị định số 19 và Nghị định số 61 về chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (gọi tắt là vùng 135).

 

Theo các nghị định này, nhà giáo đã hết thời hạn công tác ở vùng 135 nhưng chưa được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền luân chuyển thì tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng. Nghị định 61 cũng quy định thời hạn luân chuyển nhà giáo đến công tác tại vùng 135 là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam. Hết thời hạn công tác, nhà giáo được giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng. Nếu nhà giáo ở lại tiếp tục công tác và ổn định cuộc sống lâu dài thì được xét để cấp đất và được vay vốn làm nhà, làm kinh tế với lãi suất ưu đãi trả dần trong 10 năm.

 

 

Một tiết học ở vùng cao. Ảnh: Việt Anh/VOV-Tây Bắc

 

Chính sách là vậy, nhưng thực tế, nhiều giáo viên công tác hết thời gian 5 năm, không những chưa về được, mà còn không được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% lương hiện hành. Có những giáo viên thậm chí phải đi dạy vùng khó khăn lần thứ hai. Lý do đưa ra thì có nhiều: địa phương chưa bố trí được việc làm; chưa có người đi thay thế, thừa chỉ tiêu ở nơi muốn đến; địa bàn miền núi rộng, việc luân chuyển không phải nói là làm ngay…v.v... Ngoài ra, một số giáo viên mới đi nhưng nếu chỉ có quyết định bằng văn bản thì cũng không được hưởng phụ cấp thu hút.

 

Chính sách với giáo viên vùng cao đã có, nhưng để chính sách đó thực sự giúp các thầy giáo, cô giáo gắn bó, tâm huyết với học sinh vùng cao thì còn là một câu chuyện dài. Tuy nhiên, đã và đang có nhiều cách giúp vợi nỗi khó của những thầy cô vẫn đang lặng thầm gieo chữ.

 

Những năm gần đây, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có nhiều chế độ ưu đãi như: hỗ trợ 10 tháng lương cơ bản khi nhận việc, nhà giáo có gia đình chuyển đi theo thì được trợ cấp tiền tàu xe, cước phí hành lý cho các thành viên, được trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu và các mức lương tăng thêm…

 

Theo bà Nguyễn Thị Nghĩa- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, việc này phần nào giúp các thầy, cô giáo giảm bớt khó khăn trong cuộc sống: "Hiện nay, công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có hẳn một cuộc vận động giáo dục miền xuôi cho miền núi. Không chỉ là vận động về sách vở, áo quần, tiền, mà còn hỗ trợ vận động về chuyên môn. Giáo viên miền xuôi có rất nhiều đoàn lên miền núi, chia sẻ khó khăn…".

 

Tháng 11/2015, lần đầu tiên tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên dương 64 thầy, cô giáo “cắm bản” tiêu biểu đang công tác tại 62 huyện nghèo trên cả nước. Tại Chương trình, Ban Tổ chức đã tặng cho mỗi thầy cô giáo công tác ở các điểm trường khó khăn một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Và chương trình này dự kiến sẽ tổ chức hàng năm, để tất cả các thầy cô đang cống hiến tuổi trẻ của mình nơi vùng cao đều được tri ân, được hỗ trợ.

 

Những cuộc gặp gỡ tri ân, những chế độ đãi ngộ, dù còn ít và rải rác, nhưng phần nào cũng là động lực để giáo viên vùng khó khăn tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn. Bởi nếu không có lòng yêu thương học trò, sự tận tâm với nghề, thì có lẽ không ai đủ nhiệt thành để bám trường ở những nơi “thâm sơn cùng cốc”. Theo TS Võ Văn Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long, những chính sách thiết thực, cùng sự chung sức của cả cộng đồng là nguồn động viên to lớn nhất đối với giáo viên vùng cao.

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC