Chợ bỏ hoang ở Sơn La
Thứ ba, 00:00, 15/11/2016

(VOV) - Nhằm đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới, nhiều công trình chợ nông thôn được xây dựng tại Sơn La với kinh phí lên tới hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, xây xong thì chợ bỏ hoang.

 

Chợ đầu mối tại bản Hôm, xã Chiềng Cọ, được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2015, với kinh phí hơn 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách xây dựng nông thôn mới. Không gian chợ rộng rãi, có đủ điện, nước, công trình vệ sinh.

 

Nhưng đã gần 2 năm nay, chỉ có cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục bị xuống cấp. Mục tiêu là chợ đầu mối cung cấp nông sản ở cửa ngõ phía Tây thành phố Sơn La, nhưng chợ giờ thành bãi đỗ xe, tập kết vật liệu, phơi nông sản.

 

Người dân tự ý họp chợ tại ven quốc lộ 6, cách chợ đầu mối chỉ vài chục mét.  Ảnh: baomoi.com

 

Ngược với quanh cảnh đìu hiu của chợ đầu mối, cách đó không xa, người dân tự họp chợ ngay hành lang Quốc lộ 6, gây mất an toàn giao thông. Chị Tòng thị Hoa, dân bản Hôm, nói: Chợ thì hơi cao hơn đường, đi lại khó khăn nên khách không vào chợ, không bán được hàng. Xuống đây thì bán được hơn.

 

Sau cuộc đại di dân dự án công trình thủy điện Sơn La, 3 chợ mới được mọc lên ở xã Mường Giàng, trung tâm huyện Quỳnh Nhai, là chợ trung tâm, chợ Phiêng Nèn và chợ bệnh viện nay đổi tên là chợ Huổi Cuổi. Chỉ có chợ Trung tâm là hoạt động cầm chừng, chợ Huổi Cuổi mới chuyển sang hoạt động theo phiên, còn chợ Phiêng Nèn không có hoạt động mua bán.

 

Sống gần chợ, ngày ngày đi qua, ông Tòng văn Năm, ở bản Phiêng Nèn 3, xót xa cho công trình tiền tỷ bị bỏ hoang: “Lần thứ nhất họp cũng đông đấy, lần thứ hai thì ít rồi, lần thứ ba thì có ai đến mua đâu. Toàn đi chợ trung tâm, quá là phí. Bây giờ nhà để hoang thế này”.

 

Chợ đầu mối xã Chiềng Cọ hiện bỏ không. Ảnh: baomoi.com

 

Để đáp ứng tiêu chí số 7 về xây dựng nông thôn mới, Sơn La dự kiến sẽ còn xây dựng mới 40 chợ trong vòng 4 năm nữa. Tổng nhu cầu vốn khoảng 250 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước 100 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn lực xã hội 150 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Nhượng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La, thì đó mới chỉ là quy hoạch mang tính định hướng. Các địa phương căn cứ vào nhu cầu thực tế để quyết định xây dựng chợ mới. Nhưng các địa phương cần xác định rõ địa điểm, quy mô xây dựng chợ cho phù hợp, có tiêu chí xây dựng chợ gắn với phát triển, kết nối giữa các loại hình thương mại, đáp ứng được nhu cầu của người dân.

 

Ông Nguyễn Duy Nhượng cho biết: “Không nhất thiết phải xã nào cũng có chợ mà phải do nhu cầu thực tế để xác định, có thể vài xã có một chợ”.

 

Với thực tế 90% công trình chợ nông thôn không phát huy hiệu quả như hiện nay, thì liệu sẽ còn bao nhiêu công trình chợ lãng phí?

 

 

 

Hồng Việt/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC