Có nên ồ ạt xóa điểm trường lẻ ở miền núi?
Thứ tư, 00:00, 09/11/2016

(VOV4) - Từ nay đến năm 2020, Yên Bái sẽ xóa bỏ trên 600 điểm trường lẻ, để con em đồng bào các dân tộc được học tập trong môi trường đảm bảo tiêu chuẩn. Ngay năm học này, việc xóa các điểm trường lẻ đã được thực hiện ở thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và hai huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu.




Lý do mà ngành giáo dục Yên Bái cũng như Lào Cai, Tuyên Quang, và một số tỉnh khác nữa, khi thực hiện Đề án quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, thực hiện chủ trương xóa điểm trường lẻ ở thôn bản, là: cơ sở vật chất ở các điểm trường lẻ hạn chế, đội ngũ giáo viên phải kiêm nhiệm, một số môn học ở bậc tiểu học như Ngoại ngữ hay Âm nhạc, giáo viên phải di chuyển liên tục để đến dạy ở các điểm trường, dẫn đến chất lượng dạy và học bị hạn chế. 

 

Thêm nữa, học sinh ở điểm lẻ có phạm vi giao tiếp hẹp, nên thường nhút nhát, thiếu tự tin. Bởi vậy, chủ trương dồn học sinh về trường chính nhận được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền, đội ngũ giáo viên và người dân. Nhưng chúng tôi được biết: chủ trương này chưa nhận được sự đồng thuận của một bộ phận người dân, thậm chí cả cán bộ lãnh đạo ở một vài địa phương vùng núi cao, đặc biệt khó khăn. 

 

Một trong những điểm trưởng lẻ vùng cao

 

"Học sinh nhiều cháu phải bỏ học. Những đứa học lớp 1, ở xa, có khi bố mẹ phải đi làm nương rẫy, hoặc có hộ nghèo không có xe đi lại, cứ mưa là không đi được. Thu hoạch mùa mạng bận là con cái không tự đi được, cũng phải nghỉ, bố mẹ xong việc mới đưa đi được. Nếu xóa hết trường thôn, đưa vào trường chính thì nhiều cháu phải bỏ học. Làm ở trong thôn là tốt nhất, để tự con cái nó đi lại được" - ý kiến của ông Lý Kim Siệu, người Dao, ở bản Tà Chải (xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai).

 

Theo ông Vàng A Rùa - Trưởng ban dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái: "Trước kia, chủ trương là bán trú chỉ ở cấp 2 thôi. Nhưng bây giờ lớp 1, lớp 2 cũng đưa về bán trú hết. Từ nhà đến trung tâm bản đã xa rồi, giờ từ nhà tới bản khác thì lại càng xa, phải đi bộ là nhiều thôi. Ăn uống cũng rất vất vả. Bà con bảo là xa quá, có đứa phải đi cả chục cây số mới đến trường được. Bố mẹ chỉ có đưa con đi, đón con về là hết ngày".

 

Còn theo ông Đặng Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La: "Xã nào đảm nhận được mấy nội dung thế này: có phòng học, nhà ăn, nơi ở, các công trình vệ sinh thì tổ chức bán trú cho các cháu. Một trường bán trú 200 học sinh mà chỉ có 2 phòng vệ sinh thì làm sao đủ điều kiện cho các cháu ở tập trung được? Chủ trương như vậy là chúng ta dồn ép các cháu vào ở chen chúc nhau. Trường nào, xã nào tập trung được thì tốt, còn chưa đủ điều kiện thì chưa nên tập trung".

 

PV Đài TNVN đã phỏng vấn ông Thào Xuân Sùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương về vấn đề này:

 

Ông Thào Xuân Sùng: - Vùng dân tộc thiểu số và miền núi, do địa hình tự nhiên, đồng bào thường cư trú phân tán, nhỏ lẻ. Do vậy nảy sinh một mâu thuẫn liên quan đến tổ chức trường học, lớp học và sĩ số học sinh. Có nhiều cách thức tổ chức quy mô lớp học phù hợp với hình thái cư trú của đồng bào các dân tộc ở vùng núi cao, theo quan điểm ở đâu có dân thì ở đó có trường lớp học. Thế nhưng cách thức tổ chức thì phải sáng tạo và phù hợp. Nhìn chung thì ở miền núi, nhất là vùng núi cao, tổ chức trường học, lớp học theo quy mô cụm thôn bản là phù hợp nhất.

 

PV: -  Thưa ông, với học sinh tiểu học, phương án phụ huynh đưa con về học tại trường cụm bản là hợp lý. Nhưng với các cháu mầm non, ông nghĩ sao về điều này ạ?

 

Ông Thào Xuân Sùng: - Cần nghiên cứu kỹ hơn về mô hình trường mẫu giáo mầm non, bởi bản này với bản kia cách xa nhau 5-6km, nên nếu tổ chức trường lớp mầm non theo quy mô cụm bản thì các cháu sẽ theo bố mẹ đi nương rẫy hết, vì chỉ có mang các cháu đi cùng thì mới có điều kiện để chăm sóc các cháu được. Và như vậy thì vô tình sẽ có một bộ phận các cháu đến 6 tuổi không biết tiếng Việt và như thế thì không dủ điều kiện để vào lớp 1.

 

Một trong những nguyên nhân lớn làm cho một bộ phận rất lớn học sinh bỏ học ngay từ bậc tiểu học chính là không thạo tiếng Việt, nên không theo được. Phải tập trung đầu tư hỗ trợ để đồng bào xây dựng trường mẫu giáo, cái gốc của hệ thống giáo dục. Phải xây dựng trường mẫu giáo mầm non ở thôn bản đàng hoàng. Không thể lấn cấn được nữa. Đã đến lúc phải đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên dạy mầm non, có chế độ chính sách đàng hoàng, thậm chí trả lương cao, cao hơn cả giáo viên tiểu học và trung học cơ sở. Bởi vì các thầy cô giáo ở đây phải nói rất nhiều thứ tiếng dân tộc, và đặc biệt là phải làm bố, làm mẹ. 

 

PV: - Xin cảm ơn ông!

 

 

Thanh Tâm/VOV4 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC