Có nên tiếp tục chính sách cử tuyển?
Thứ sáu, 00:00, 09/12/2016 Hòa - CT Hòa - CT

(VOV4) - Tính đến thời điểm này, có hơn 191.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm. Trong số này phần đông là người dân tộc thiểu số. Lý do mà các địa phương đưa ra là không có biên chế, vị trí công tác chưa phù hợp hoặc chất lượng học tập của sinh viên cử tuyển còn thấp.






Lãng phí từ cử tuyển do đâu?

 

Để dẫn đến tình trạng sinh viên cử tuyển nhưng chưa có việc làm, một phần là do việc đăng ký chỉ tiêu cử tuyển hàng năm của cấp huyện không bám sát nhu cầu tuyển dụng của các địa phương, đơn vị, dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu.

 

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: "Các địa phương khó khăn thì có lẽ bài toán về nhân lực phải bắt đầu từ đặc điểm về kinh tế - xã hội, về văn hóa, về địa lý, về dân cư của mỗi vùng để có phương án thích hợp. Chúng tôi đã đi những xã miền núi mà lại cử con em đi học ngành thủy sản thì đương nhiên không thể phù hợp được".

 

Mặt khác, một số địa phương trong thời gian đưa con em đi học cử tuyển nhưng vẫn xét tuyển thêm biên chế, dẫn đến tình trạng người học cử tuyển ra trường không thể bố trí việc làm. Trong quá trình triển khai chính sách, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện được khâu giám sát phân công công việc cho những đối tượng cử tuyển sau khi tốt nghiệp. Phần nữa là do chất lượng đào tạo từ các trường, hoặc trình độ, năng lực của người học hạn chế, nên các đơn vị tuyển dụng lo ngại.

 

Theo ông Hoàng Văn Dương, Phó giám đốc Sở giáo dục - Đào tạo tỉnh Lào Cai: "Kết quả học tập của những sinh viên này không cao, do đó tham gia kỳ xét tuyển vào viên chức thì các em không cạnh tranh được với những sinh viên học hệ chính quy mà lại tốt nghiệp loại khá. Hai là, công tác xây dựng kế hoạch đề xuất chỉ tiêu đi đào tạo cử tuyển và xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức của các huyện có học sinh cử tuyển nhiều lúc không sát nhau".

Thực tế cho thấy, hàng năm, khi lập kế hoạch cử tuyển, nhiều nơi chưa căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà đã cử tuyển ồ ạt. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương- đoàn Ninh Thuận, cho rằng:  “Đào tạo cho con em người dân tộc, định hướng đúng, nhưng việc thực hiện thế nào? Lúc đầu bảo là đào tạo nguồn, nhưng đến khi đưa về thì đã là cuối nguồn mất rồi. Lần nào tiếp xúc cử tri tôi cũng thấy rất xót xa đau lòng khi bà con bảo các cháu thuộc diện cử tuyển, nhưng về thì không có công ăn việc làm, tôi không biết trả lời như thế nào và thấy bất lực vô cùng. Vậy, có nên tiếp tục thực hiện cử tuyển với con em người dân tộc nữa không?”.

Bình quân trong một năm, địa phương phải chi 22 triệu đồng/sinh viên cử tuyển, bao gồm các khoản học bổng, học phí, tiền mua sắm sách vở. Lãng phí nguồn nhân lực được đào tạo cử tuyển cũng đồng nghĩa với lãng phí rất lớn nguồn ngân sách nhà nước.

 

Rất nhiều sinh viên hệ cử tuyển người DTTS không tìm được việc làm. Ảnh minh họa: KT

 

Cử tuyển – nên tiếp tục hay dừng lại? 

 

Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, đưa ra ví dụ: nếu như cùng là người dân tộc Hrê, nhưng một em tự đi thi đại học, tự bỏ tiền túi ra học, tốt nghiệp đạt bằng khá, lại không thể tuyển dụng trước, mà phải chờ cử tuyển, trong khi cử tuyển phải chu cấp toàn bộ kinh phí, là điều rất bất hợp lý. Do vậy, cần phải nghiên cứu lại chính sách cử tuyển.

 

“Chính sách cử tuyển là chủ trương đúng đắn nhưng nó chỉ phù hợp trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Hiện nay chúng ta đang thực hiện nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực mà tiếp tục tuyển sinh cử tuyển là không còn phù hợp" - ông Phong nói.

 

Ông Mùa A Vảng, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, cho rằng chế độ cử tuyển chưa thực sự công bằng cho mọi học sinh là người dân tộc thiểu số trong cùng điều kiện và hoàn cảnh. Người thi đỗ vào đại học được hỗ trợ ít, trong khi người đi học cử tuyển gần như được hỗ trợ 100%. Mặt khác, hiện nay các em học sinh dân tộc thiểu số hoàn toàn có đủ khả năng để thi đỗ vào các trường đại học, mặc dù tỷ lệ này chưa cao. Bởi vậy, thay vì tiếp tục hình thức cử tuyển, nên chăng có chế độ ưu tiên đặc thù cho học sinh dân tộc đỗ đại học.

 

Trong khi chính sách cử tuyển ở nhiều địa phương bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý thì Lào Cai có cách làm riêng. Tỉnh đã khảo sát, quy hoạch, bám sát nhu cầu thực tế về nhân lực của địa phương để đề xuất đào tạo cử tuyển phù hợp. Lào Cai xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải từ khâu đào tạo từ cấp học nền tảng là bậc phổ thông. Cho nên, tỉnh đã nỗ lực đầu tư nâng cấp hệ thống các trường dân tộc nội trú, đồng thời với việc nâng cao chất lượng đầu vào tại các trường này.

 

 Bên cạnh đó, Lào Cai chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh ký kết với các doanh nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn về việc cam kết sử dụng nguồn lao động tại địa phương. Cách làm này góp phần giúp Lào Cai sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã qua đào tạo, trong đó có đối tượng cử tuyển, mà không bị lệ thuộc vào chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ.

 

Ông Nguyễn Đức Lành, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Lào Cai, cho biết: "Lào Cai có những dự án lớn mà chúng tôi hầu như đạt trên 90% lao động sau khi được đào tạo nghề có việc làm. Dù được hỗ trợ học tập hay không thì sinh viên nói chung sau khi tốt nghiệp cũng phải chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm, kể cả ở khu vực kinh tế tư nhân. Mặt khác, nếu cứ đòi hỏi bố trí việc làm ở trung tâm huyện, tỉnh mà không chấp nhận công tác tại các xã, nhất là các xã vùng khó khăn, thì câu chuyện thất nghiệp của sinh viên cử tuyển sẽ không có hồi kết!".

 

Ủy ban Dân tộc đã đề xuất một số giải pháp cụ thể về đổi mới công tác cử tuyển, như xem xét cấp học bổng đối với các học sinh, sinh viên trúng tuyển thẳng vào các trường đại học; hỗ trợ những sinh viên học tập tốt, trúng tuyển thẳng, để không quá thiệt thòi so với học sinh, sinh viên cử tuyển; xây dựng cơ chế cạnh tranh đầu vào cử tuyển và tổ chức xét tuyển công khai vào vị trí việc làm sau đào tạo. V

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

 

Hòa - CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC