Cuộc sống mới của đồng bào Cống nơi biên giới Điện Biên
Thứ năm, 00:00, 08/06/2017
VOV4.VN - Trước đây, cộng đồng dân tộc Cống ở bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tách biệt hoàn toàn với bên ngoài; cuộc sống chủ yếu tự cung, tự cấp, hái lượm trong rừng. Khi đó, bản làng thường xuyên vắng người vì tất cả đều đi rừng để kiếm thực phẩm. Có những chuyến đi hàng tháng trời. Bản cũng không một ai biết chữ phổ thông.



Ông Quàng Văn Nó kể: "Trước, dân tộc mình mùa này chỉ đi đào củ mài củ sắn ăn thôi. Giờ thì Nhà nước hỗ trợ cho nhiều, cuộc sống ngày càng thay đổi rồi. Hộ nghèo nên nhà nước hỗ trợ cho mỗi gia đình 27 con ngan để phát triển kinh tế".

 

Púng Bon hôm nay, nhìn từ xa, bản làng trù phú yên bình soi bóng bên dòng Nậm Núa với những ngôi nhà quần tụ dưới tán cây xanh. Hai bên trục đường chính dẫn vào trung tâm bản là những ngôi nhà sàn gỗ vững chãi. Trẻ em được đến trường đúng độ tuổi, người dân được chăm sóc y tế.

 

Bà Lò Thị Phanh nói: "Bây giờ đã có công trình nước sạch nhà nước làm cho, cầu mới nhà nước làm cho. Trước, đi lại chỉ bằng cách làm bè đi qua sông, không như bây giờ, trẻ con đi học, người dân đi lại thuận tiện nhiều rồi".

 

Năm 2005, điện lưới quốc gia về bản đã thật sự làm thay đổi diện mạo nơi đây. Người dân đã chấm dứt cảnh dùng đèn dầu thắp sáng; có tivi, đài, mở mang kiến thức canh tác, chăn nuôi. Púng Bon nay có gần 10 ha lúa nước, trong đó có 3 – 4 ha sản xuất được 2 vụ; hơn 30 ha lúa nương, ngô, sắn… Lương thực bình quân đầu người tăng từ 210kg/người/năm vào năm 2011 lên hơn 400kg/người/năm hiện tại.

 

Ông Lò Văn Tha, Trưởng bản Púng Bon, cho biết, bản có nhiều đổi thay, đổi thay lớn nhất là suy nghĩ của mọi người đã không còn lạc hậu nữa. Nhất là con em trong bản đã được đi học chữ. Giờ đây, bố mẹ luôn tạo điều kiện, động viên cho con em mình đi học, dù có khó khăn đến mấy cũng không được bỏ học.

 

"So sánh với trước năm 2000 thì đến bây giờ không còn hộ đói nữa. Các cháu thì được học hành tốt hơn, không như trước nữa. Hồi xưa không có ai biết chữ, bây giờ được học hành ai cũng biết tiếng phổ thông"  - ông Tha nói.

 

Năm 2011, “Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011- 2020” được triển khai, là chính sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với dân tộc Cống. Ngoài mục tiêu là từng bước xóa đói giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tăng số lượng và chất lượng dân số thì còn có 2 mục tiêu quan trọng nữa là bảo tồn - phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cống và đảm bảo an ninh chính trị vùng biên giới.

 

Trung tá Hà Đại Trung, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Thơm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, cho biết: "So với những năm trước đây, đời sống của bà con tương đối ổn định, an ninh trật tự tại bản cũng đã ổn định hơn. Đồn phối hợp với các trung tâm cai nghiện cộng đồng, trung tâm hướng nghiệp dạy nghề để tổ chức cai nghiện tập trung, vận động bà con vận động con em mình từ bỏ con đường nghiện hút, tích cực học nghề tìm công ăn việc làm. Nhiều người sau khi đi cai nghiện tập trung về đã có công ăn việc làm ổn định, không còn tiếp xúc ma túy nữa".

 

Hơn 6 năm thực hiện đề án đã mang lại những thành quả tích cực, như việc duy trì các lễ hội, khôi phục các nhạc cụ dân tộc, truyền bá văn hóa dân tộc Cống và từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Giờ đây người Cống tại Púng Bon đã mở rộng giao lưu văn hóa, kinh tế với các dân tộc khác.

 

Dân tộc Cống là dân tộc rất ít người nằm trong số 19 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Với gần 200 hộ, hơn 900 nhân khẩu, dân tộc Cống là một trong những dân tộc ít người, nằm trong danh sách dân tộc được bảo tồn của tỉnh Điện Biên. Tại huyện Điện Biên, đồng bào Cống sinh sống chủ yếu tại bản Púng Bon, xã Pa Thơm, giáp biên giới Việt – Lào, với gần 50 hộ, trên 220 nhân khẩu.

 

Bản Púng Bon đã nhiều đổi thay, những nếp nhà sàn san sát bên dòng Nậm Núa

Ông Quàng Văn Nó chăm sóc đàn ngan được Nhà nước hỗ trợ

Lương thực bình quân đầu người tăng từ 210kg/người/năm vào năm 2011 lên hơn 400kg/người/năm

Năm 2005, bản đã có điện lưới quốc gia

Cây cầu mới giúp người dân đi lại thuận lợi, không phải chịu cảnh dùng bè vượt suối như trước kia

 

 

 

 

Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC