
Sau khi hoàn tất các thủ tục hồ sơ theo hướng dẫn của cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk, Công ty Cổ phần thép Đông Nam Á, ở khu công nghiệp Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã được miễn giảm gần 200 triệu đồng.
Đây là số tiền tương ứng 0,5% mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 600 người lao động trong vòng 1 năm, tính từ tháng 7 năm nay đến tháng 6 năm tới, tuy không nhiều nhưng chính sách hỗ trợ này là nguồn động viên, chia sẻ đối với đơn vị trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Bà Lê Thị Tuyết Hạ, Phó tổng giám đốc công ty cho biết: Tổng quỹ lương bên công ty là khoảng 3 tỷ một tháng, khi được giảm 0,5% thì tương ứng là 15 triệu một tháng. Hiện tại, với nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết 68, Công ty đã triển khai trang bị về dụng cụ y tế, thiết bị phòng chống dịch và chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên, trang trải chi phí cho công ty trong thời buổi khó khăn này.
Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã nhiều lần thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, 15 và 15+.
Nhiều đơn vị doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh hoặc có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Công việc và thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng. Nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết 68 đã giúp các doanh nghiệp có thêm phần nào kinh phí để chăm lo, hỗ trợ người lao động, động viên họ yên tâm công tác.
Nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết 68 giúp doanh nghiệp có thêm kinh phí hỗ trợ người lao động
Anh Trần Trung Tiến, nhân viên công ty cổ phần Thép Đông Nam Á, ở khu công nghiệp Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết:Khi dịch bệnh phức tạp thì thu nhập giảm sút. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo công ty luôn quan tâm đến người lao động, hỗ trợ thêm các suất ăn phụ trong quá trình làm việc, hỗ trợ thêm tiền xăng xe đi lại, thậm chí tìm những nơi ở trọ gần hơn, an toàn hơn để người lao động thoát khỏi vùng nguy hiểm và yên tâm làm việc.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho gần 3 nghìn doanh nghiệp và người sử dụng lao động với khoảng 44 nghìn người lao động. Tổng số tiền giảm là hơn 13 tỷ đồng.
Tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho 4 doanh nghiệp với số tiền gần 800 triệu đồng. Đơn vị cũng là đầu mối xác nhận cho doanh nghiệp và người lao động dừng việc do dịch hoặc dừng đóng bảo hiểm xã hội nhưng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp để được hỗ trợ từ Nghị quyết 68.
Đến nay, việc triển khai Nghị quyết 68 tại đơn vị khá thuận lợi và thông thoáng. Nhờ đó giúp người lao động và doanh nghiệp rút ngắn được thời gian chờ đợi khi đã hoàn tất các thủ tục hồ sơ.
Ông Nguyễn Khắc Tuấn, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: Bảo hiểm xã hội Đắk Lắk đã chỉ đạo trong toàn ngành là khi hồ sơ gửi đến thì trong vòng 1 tiếng phải xác nhận cho doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người lao động thụ hưởng chính sách của Nghị quyết 68.
Đến nay tại Đắk Lắk đã thực hiện được 9/11 nhóm chính sách hỗ trợ theo nội dung Nghị quyết 68. Trong đó, có 3 nhóm chính sách được triển khai tốt là chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất, chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch.
Hiện nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đang tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, tham mưu UBND tỉnh giao thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ về cho UBND các huyện, thị xã và thành phố để đảm bảo thời gian, quy trình, nội dung và đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, Sở cũng thành lập các tổ công tác để theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết 68 tại cơ sở.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó giám đốc Sở lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Đăk Lăk cho biết: Sở đã có phương án phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông, các sở, ngành liên quan, đặc biệt là các địa phương tăng cường tuyên truyền về nhóm chính sách đối với các đối tượng để đảm bảo đúng hồ sơ, đúng người và để các đối tượng hiểu rõ quyền lợi được thụ hưởng.
Với phương châm “hồ sơ đến đâu giải quyết đến đó, không để người dân và doanh nghiệp phải chờ đợi”, đến nay đã có gần 3.000 đơn vị với hơn 50.500 người dân được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Các cấp, các ngành tỉnh Đăk Lăk đang tăng cường phối hợp triển khai rà soát, lập danh sách để thực hiện hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động theo quy định. Nguyên tắc hỗ trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách./.
H Xíu/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận