Dân di cư tự do đe dọa rừng đầu nguồn sông Đà
Thứ sáu, 00:00, 05/08/2016

(VOV) - Rừng đầu nguồn sông Đà có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp nước cho các công trình thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, cũng như điều tiết nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của cả vùng hạ lưu. Thế nhưng, những đoàn người đi tìm đất sống mới ở Mường Tè đang đe dọa sự tồn tại của những cánh rừng.

 

Điểm dân cư Cu Ma Cao, Cu Ma Thấp và Lù Khò, xã Mù Cả, huyện Mường Tè là nơi sinh sống của 65 hộ dân di cư tự do, về đây từ năm 2008 – 2012. Sau khi chuyển đến đây định cư, đồng bào đã phá đi một số mảnh rừng phòng hộ để làm nương rẫy.

 

Ông Lý Khai Hòa, Chủ tịch HĐND xã Mù Cả, huyện Mường Tè, cho biết hiện nay toàn xã có trên 38.000 ha  rừng, chủ yếu là phòng hộ, rừng đặc dụng đầu nguồn. Từ khi có các hộ dân di cư đến, họ đã xâm lấn vào vùng lõi của khu rừng phòng hộ để định cư. Họ đã phá rừng để lấy đất sản xuất. Quan điểm của địa phương là vận động, tuyên truyền bà con về nơi ở cũ. Việc này huyện và xã cũng đã làm nhiều lần, nhưng cứ đưa bà con ra khỏi địa bàn được thời gian ngắn rồi họ lại vào.

Huyện Mường Tè hiện có hơn 167.000ha rừng, với tỷ lệ che phủ gần 62%, trong đó có gần 100.000 ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Theo quy định của Nghị định 119 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của kiểm lâm thì định mức biên chế kiểm lâm được tính bình quân toàn quốc và cứ 1.000 ha rừng có một biên chế kiểm lâm. Tuy nhiên, Hạt Kiểm lâm Mường Tè hiện chỉ có 28 biên chế. Đây cũng là khó khăn của lực lượng kiểm lâm địa phương khi phải hoạt động trên một địa bàn rộng, địa hình và tình trạng dân di cư tự do phức tạp.

 

Những mảng rừng phòng hộ bị phá để làm nương rẫy.  Ảnh:Thu Thùy/VOV-Tây Bắc

 

Ông Khoàng Văn Chiến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Tè, cho biết: Ở hai xã “nóng” về di dịch cư tự do là Mù Cả và Tà Tổng, Hạt đã phải bố trí tới 9 cán bộ kiểm lâm. Trong đó, xã Mù Cả là địa phương thường xuyên có người dân di cư từ huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên sang, vừa qua đã được thành lập một trạm liên ngành gồm các lực lượng công an, biên phòng, kiểm lâm và lực lượng kiểm lâm được bố trí 5 người. Tuyên nhiên, với nguồn nhân lực hiện nay và địa bàn rộng, phức tạp như Mường Tè thì sẽ rất khó để đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng.

 

Nnăm 2011, tỉnh Lai Châu đã triển khai dự án sắp xếp ổn định dân cư giai đoạn 2011 – 2015. Theo dự án, hai xã Tà Tổng và Mù Cả sẽ có 137 hộ, 821 khẩu di cư tự do được bố trí nơi ở ổn định và các hộ dân sẽ được đầu tư đầy đủ điện, đường, trường, trạm. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện dự án, địa phương mới chỉ sắp xếp chỗ ở ổn định cho 93 hộ, 468 nhân khẩu. Nguyên nhân là do địa phương gặp khó khăn trong việc quy hoạch và thiếu kinh phí, trong khi số hộ dân di cư đến ngày càng đông.

 

Ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, cho biết từ đầu năm đến nay, địa phương đã có gần 150 lượt hộ dân ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lào Cai… vào địa bàn. Hầu hết người dân đều vào các khu rừng già, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng để dựng nhà. Huyện cũng đã tập trung tuyên truyền và liên hệ với các địa phương có dân di cư đến để đưa bà con quay lại nơi ở cũ. Tuy nhiên, với lực lượng mỏng như hiện nay và thời gian hoạt động chủ yếu của dân di cư tự do vào ban đêm thì địa phương khó có thể ngăn chặn triệt để:

 

Tình trạng di cư tự do trên địa bàn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đang là nỗi lo của cấp ủy, chính quyền địa phương, khi số hộ dân chuyển đến địa bàn hàng năm ngày càng tăng và nguy cơ đe dọa xâm hại các cánh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đầu nguồn sông Đà.

 

 

 

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC