Dân tộc "lửng" trong nỗi lo của các nghệ nhân
Thứ năm, 00:00, 04/05/2017 Nhung Nhung

VOV4.VN - Nhiều nghệ nhân, già làng, trưởng bản lo lắng về việc bản sắc của các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một dần. Họ lo về những dân tộc... lửng!

 

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa có cuộc gặp gỡ với các già làng, trưởng bản, người uy tín, đại diện cho các dân tộc ở khu vực phía Bắc.

 

Từ thực tế đời sống văn hóa tinh thần của bà con người Tày quê ông, nghệ nhân Ma Thanh Sơn, ở Nghĩa Đô, Bảo Yên, Lào Cai, trăn trở:  Nhiều nét phong tục tập quán của người Tày, các nhà văn hóa có nghiên cứu, nhưng mà chỉ để nằm trong kho tàng thôi. Bây giờ, nhiều người Tày cũng không hiểu tập quán của thời kỳ cha ông là gì cả, nói gì đến lớp trẻ.  Ông lo người Tày học dân tộc khác thì “với chẳng tới”, mà bỏ cái nét văn hóa dân tộc mình, thì mình mất gốc là đương nhiên, sẽ trở thành một lớp dân tộc... lửng. 

 


Nghệ nhân hát then Hà Văn Thuấn (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) giữ gìn nghệ thuật hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày. Ảnh: dantri.com   


 

Nhìn rộng ra 54 dân tộc, cái lửng như kiểu cơm xôi đỗ, là một nguy cơ cần được nhận diện rõ nét và có giải pháp khắc phục.

Nghệ nhân Ma Thanh Sơn kiến nghị: “Dân tộc nào, ở đâu, cũng có những người có tâm huyết với việc giữ gìn bản sắc văn hóa, thì ngành văn hóa bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho họ khoảng một vài tháng để họ đi sưu tầm. Mà sưu tầm thì mình đưa chuyên đề cho họ. Không cần phải đề án này, tầm nhìn nọ. Sau đó Sở Văn hóa tập hợp lại, cái nào chuẩn, thì đầu tư vào in sách loại nhỏ, phát cho người dân tìm hiểu thì mới giữ được. Chứ mình cứ nói trời nói biển, mà chỉ giữ ở trong sách, thì việc bảo vệ bản sắc cũng chỉ như chuyện cổ tích thôi".

Nghệ nhân Lò Văn Biến, dân tộc Thái, ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, cũng rất đồng tình với quan điểm của nghệ nhân Ma Thanh Sơn. Bởi nếu kêu gọi được những nghệ nhân tham gia sưu tầm văn hóa của dân tộc mình thì thuận lợi hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, theo ông, việc tổ chức các ngày hội văn hóa, giao lưu văn hóa văn nghệ giữa các dân tộc như thời gian vừa rồi, nên thu vào những chuyên đề hẹp hơn, để đưa ra những tiêu chí chuẩn. Ví dụ về nhạc cụ, nên tổ chức thi riêng cho từng loại nhạc cụ, hoặc giao lưu xòe thì chỉ  xòe, hát dân ca thì chỉ có hát dân ca. Thì so sánh đối chiếu mới chuẩn và tìm ra tiêu chí mới dễ thuyết phục.

 

Nghệ nhân Bàn Văn Đức, dân tộc Dao, ở Sơn La, thì kiến nghị: việc bảo tồn văn hóa cho dân tộc Dao nói riêng và các dân tộc khác nói chung phải đồng bộ. Ông dẫn chứng cụ thể về nghi lễ cấp sắc của người Dao, một nghi lễ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Trong lễ cấp sắc, phải sử dụng đến bộ sách chữ Dao cổ, nhưng hiện nay bộ sách này chưa được bảo tồn. Vậy nên nếu không có giải pháp kịp thời , thì đến một lúc nào đó nghi lễ Cấp sắc sẽ bị mai một.

 

Tổng hợp ý kiến của các nghệ nhân, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, khẳng định: Những ý kiến hiến kế và kiến nghị tâm huyết của các già làng, trưởng bản, người uy tín, và đặc biệt là các nghệ nhân là người dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc, trong cuộc gặp gỡ này, rất thiết thực cho công tác quản lý của Bộ. Tới đây, Bộ sẽ  phân rõ vai trò: Cơ quan chức năng làm gì, bản thân đồng bào mỗi dân tộc phải làm gì, như vậy  nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc mới hiệu quả.

 

 

 

Hồng Nhung/VOV4

 

Nhung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC