(VOV4) - Huyện Văn Yên, Yên Bái, là địa phương đứng đầu cả nước về diện tích cũng như sản lượng quế. Việc mở các lớp đào tạo chế biến sản phẩm mỹ nghệ từ vỏ quế đã tạo ra bước đột phá mới, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Là một trong 30 học viên của lớp đào tạo chế biến các sản phẩm mỹ nghệ từ vỏ quế, mới hoàn thành khóa học trong năm nay, anh Bàn Tòn Năm, ở thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn, khẳng định đây là lớp học bổ ích, tạo cơ hội tìm việc làm mới cho bà con nơi đây.
Học viên đã được trang bị những kiến thức cơ bản để tạo ra một sản phẩm có giá trị cao hơn từ vỏ quế. Anh Bàn Tòn Năm cho biết bài đầu tiên mà các học viên được học là xử lý nguyên liệu. Vỏ quế tươi được kéo thẳng, dùng nan tre kẹp lại mang phơi khô, để tạo hình dễ dàng hơn.
Theo ông Bàn Phúc Hín, Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn, mỗi năm địa phương đào tạo từ 70 – 80 lao động. Trước đây đào tạo nghề chưa gắn liền với các sản phẩm có sẵn ở địa phương nên gây nhiều khó khăn cho người lao động. Với lớp đào tạo nghề chế biến thủ công mỹ nghệ từ cây quế, các sản phẩm làm ra được bày bán tại các sự kiện ở huyện và phục vụ khách du lịch. Bởi vậy, mặc dù đây là khóa đào tạo lần đầu tiên được tổ chức cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, nhưng đã đạt được những thành công.
Ông Nguyễn Hùng Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên huyện Văn Yên, khẳng định trong năm tới, địa phương sẽ tổ chức 3-4 lớp đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã mà cây trồng chủ lực là quế. Chương trình đào tạo sẽ chú trọng nghề chế biến sản phẩm từ quế nhằm tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo để nâng cao thu nhập, tranh thủ những lúc nông nhàn. Đồng thời, các sản phẩm từ quế sẽ được giới thiệu tại các vùng du lịch trong và ngoài nước để nâng tầm giá trị của quế Văn Yên.
Giáo viên
TTDN&GDTX huyện Văn Yên giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm
từ vỏ quế với học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Văn Yên. Ảnh: KT
Giải pháp việc làm và đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế
Lãnh đạo huyện Văn Yên xác định quế là cây chủ lực của địa phương, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế sẽ mang lại nguồn thu lớn cho đồng bào trong tương lai. Vì thế, học viên được hướng dẫn làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, đầu ra cho sản phẩm được quan tâm nhất.
Từ đầu năm đến nay, huyện Văn Yên đã mở 18 lớp đào tạo nghề cho hơn 500 lao động nông thôn; tạo việc làm mới cho trên 2.500 lao động. Trong đó, gần 1.800 lao động được giải quyết việc làm từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Lê Minh Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên khẳng định, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm thường xuyên của địa phương. Hiện nay, vấn đề đầu ra cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây quế là điều mà địa phương đang quan tâm, giải quyết:
"Kết thúc các lớp dạy nghề thì trung tâm dạy nghề huyện luôn có tư vấn cho người học nghề liên kết lại với nhau để mở các xưởng sản xuất tập trung, tạo ra những sản phẩm có hình thức tinh xảo hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh và các hiệp hội doanh nghiệp trên dịa bàn tỉnh để giới thiệu người lao động đến thực hành và liên hệ xin việc khi có nhu cầu".
Hải Phong/VOV4
Viết bình luận