(VOV) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có gần 1,3 triệu người dân tộc thiểu số - chủ yếu là dân tộc Khmer. Mạng lưới trường dân tộc nội trú được quan tâm đầu tư, với mục tiêu sắp tới, 12% học sinh dân tộc thiểu số được vào học ở những trường này.
Trà Vinh là một trong những tỉnh có số học sinh dân tộc thiểu số đông nhất khu vực. Để đáp ứng nhu cầu học nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số, 7 huyện xây dựng được trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) cấp Trung học cơ sở và 1 trường cấp Trung học phổ thông, thu nhận hơn 1.700 học sinh. Tuy nhiên, con số này mới là hơn 8% số học sinh, mà chỉ tiêu đặt ra là 12%. Trà Vinh đang lập kế hoạch xây dựng thêm 2 trường tại 2 địa phương chưa có trường dân tộc nội trú là thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh.
Còn theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, tỉnh có 9 trường DTNT. Tỷ lệ học sinh được học nội trú gần 12%. Hệ thống trường DTNT ở Sóc Trăng đã phủ kín phần lớn các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, điều kiện ăn ở, học tập đầy đủ. Theo lộ trình từ nay đến năm 2020, Sóc Trăng tiếp tục xây dựng và đưa vào sử dụng thêm trường Trung học cơ sở DTNT Trần Đề, đầu tư xây dựng các hạng mục công trình còn thiếu ở 7 trường nội trú theo hướng đạt chuẩn quốc gia.
Trường Phổ thông DTNT THCS -THPT Tiểu Cần (Trà Vinh)
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, cho biết nhằm hướng các trường DTNT trở thành trường hàng đầu về chất lượng giáo dục của địa phương, nhất là thực hiện tốt nhiệm vụ tạo nguồn cán bộ vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, bên cạnh việc tổ chức các đợt bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán, các trường dân tộc nội trú luôn quan tâm, hỗ trợ kịp thời những trường hợp khó khăn để học sinh an tâm học hành, nâng cao chất lượng.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đến nay đã có 10,5% học sinh dân tộc thiểu số được học ở trường nội trú. Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng lên.
Trước khi triển khai Quyết định số 1640/TTCP về củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT, các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở ĐBSCL đã chủ động quy hoạch mạng lưới trường PTDT nội trú tại các huyện có từ 10.000 người dân tộc thiếu số trở lên. Đến nay, cả vùng có 31 trường, với hơn 9.000 học sinh; có 9 trường cấp tỉnh, 22 trường cấp huyện, trong đó 9 trường đạt chuẩn quốc gia.
Kế hoạch từ nay đến năm 2020, ĐBSCL sẽ tiếp tục đầu tư 6 trường PTDTNT mới và đầu tư bổ sung các hạng mục cho 14 trường hiện có. Riêng ở tỉnh Bạc Liêu, vì không huy động đủ học sinh, UBND tỉnh này đề xuất mở rộng Trường PTDTNT tỉnh thành trường PTDTNT cho cả 2 cấp học.
Ông Võ Trọng Hữu, Ủy viên chuyên trách kiêm Vụ Trưởng vụ Văn Hóa - Xã hội Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: “Nhiều năm qua, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đề xuất Thủ tướng nơi nào có 10 ngàn đồng bào dân tộc thiểu số thì phải có trường PTDTNT. Gần đây chúng tôi cũng xin thêm cơ chế đào tạo đặc thù, ở khu vực ĐBSCL, các trường đại học lấy thấp hơn điểm chuẩn của trường 3 điểm, còn ngoài khu vực ĐBSCL thì lấy thấp hơn 2 diểm. Chính vì vậy mà hàng năm con em ở ĐBSCL cũng như con em đồng bào dân tộc thiểu số được học theo cơ chế đặc thù này”.
Sa Oanh- Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL
Viết bình luận