Để tín dụng là đòn bẩy giúp Tây Bắc thoát nghèo
Thứ ba, 00:00, 27/09/2016

(VOV) - Tây Bắc, chiếm 1/3 diện tích của cả nước, luôn là “lõi nghèo”. Trong 64 huyện nghèo thì Tây Bắc đã có tới 45 huyện. Để góp phần làm đòn bẩy, tạo động lực cho Tây Bắc phát triển, chương trình tín dụng chính sách giai đoạn 2011 -2015 đã triển khai sâu rộng, hiệu quả ở Tây Bắc.

 

Thông qua các điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã và gần 40 nghìn tổ tiết kiệm vay vốn, trên 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đã tiếp cận được với vốn vay từ hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội. Trên 1,5 triệu lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Bắc đến nay đạt trên 32 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ dư nợ quá hạn toàn vùng vào cuối giai đoạn đã giảm xuống còn 0,25%, thấp hơn mức bình quân của toàn quốc.

 

Hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số vay vốn. Ảnh: baomoi.com

 

Đã có rất nhiều hộ sử dụng vốn tín dụng chính sách hiệu quả như hộ Giàng Mí Páo ở Cán Tỷ - Quản Bạ - Hà Giang, Lò Văn Lả ở Phổng Lăng – Thuận Châu – Sơn La, Hà Quang Diện ở Cát Thịnh – Văn Chấn – Yên Bái, Hà Thế Toàn ở Phụ Khánh – Hạ Hòa – Phú Thọ…

 

Theo bà Bùi Thị Quỳnh, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ở thôn Đo Ngoài, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, nhờ có chính sách tín dụng, những hộ gia đình khó khăn ở địa phương bà sinh sống mới có cơ hội thoát đói nghèo. Hiện nay, 41 tổ thành viên do bà Quỳnh làm tổ trưởng đều sử dụng tốt vốn vay, 16 hộ thoát nghèo bền vững, có tổ viên đạt danh hiệu điển hình kinh tế cấp huyện, cấp tỉnh; có hộ đã mua được ô tô, mở trang trại lớn...

 

5 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp gần 320 nghìn hộ ở vùng Tây Bắc vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho hơn 110  nghìn lao động, trong đó gần 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài; giúp trên 120 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 700 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh nông thôn; hơn 60 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách… Tỷ lệ hộ nghèo của Tây Bắc từ 35,58% (năm 2010) giảm xuống còn 14,97% (2015).

 

Ông Trần Duy Đông, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Lào Cai, cho biết ngay từ khi thành lập, Ngân hàng đã đặt ra phương châm không để tình trạng bỏ trắng tín dụng chính sách, phấn đấu 100% các thôn, bản trong tỉnh đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi và bố trí nguồn vốn đúng đích, đúng chỗ: “Ngân hàng Chính sách xã hội đã bám sát và tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị tỉnh Lào Cai chỉ đạo phân vốn, tập trung ưu tiên cho những vùng nghèo nhất, cần vốn nhất và những khu vực có mục tiêu phát triển kinh tế xã hội hiệu quả để giúp cho bà con vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế”.

 

 

Nhờ Ngân hàng Chính sách xã hội, bà con đang từng bước thoát nghèo. Ảnh: baomoi.com

 

Những thách thức đặt ra đối với Tây Bắc, không gì khác, vẫn là xóa đói giảm nghèo. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Bắc giai đoạn 2011-2015, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh xóa đói giảm nghèo là mục tiêu đầu tiên và cũng là mục tiêu lớn nhất đặt ra đối với toàn vùng Tây Bắc trong giai đoạn 2016 – 2020. Bởi theo tiêu chí nghèo đa chiều theo chuẩn hiện nay, tỷ lệ nghèo bình quân của Tây Bắc chiếm 29,14%, vẫn là cao nhất so với toàn quốc.

 

Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình đề nghị Trung ương tiếp tục giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng hàng năm bình quân vào khoảng 10%. Bằng mọi cách phải bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn các chương trình tín dụng chính sách cho Ngân hàng Chính sách Xã hội theo quy định. Đặc biệt, có chính sách quy hoạch phát triển vùng kinh tế, nhằm giúp cho hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội phát huy hiệu quả hơn, tránh để tình trạng người nghèo có vốn mà không dám vay vì vay xong không biết để làm gì.

 

Còn theo Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc Hầu A Lềnh, để đạt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ nghèo của Tây Bắc giảm xuống mức trung bình của cả nước, thì chính sách tín dụng cần là đòn bẩy nòng cốt. Và quan trọng là phải hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.

 

 

 

An Kiên/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC