Điểm tựa vững chắc cho người dân biên giới
Thứ ba, 00:00, 19/04/2016

(VOV) - Nhiều năm nay, hàng trăm người nghiện ma túy ở các xã biên giới thuộc tỉnh Lai Châu đã được cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng giúp cai nghiện, để rồi họ có cơ hội trở thành những người có ích cho gia đình, bản làng.

 

Với Chẻo Diếu Phù, dân tộc Dao, ở bản Tả Phùng, xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, ma túy đã làm gia đình anh kiệt quệ kinh tế và đổ vỡ hạnh phúc. Từ một người chăm chỉ, cần cù, kinh tế gia đình khá giả, sau nhiều năm chìm trong khói thuốc, bao nhiêu lúa ngô và đồ đạc trong nhà lần lượt mất đi. Cùng quẫn, anh tìm đến cái chết, may lần nào cũng được người thân phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, anh vẫn không thể từ bỏ ma túy. 

 

Các chiến sĩ bộ đội biên phòng gắn bó với người dân vùng cao

 

Chẻo Diếu Phù tâm sự hơn 10 năm mắc nghiện, ma túy đã đưa anh tới bờ vực. Cuộc đời anh chỉ sang trang khi may mắn được các cán bộ biên phòng tới gặp gỡ vận động và hỗ trợ cai nghiện. Sau hơn một tháng ở đồn, về nhà được người thân, chính quyền địa phương động viên, nên anh mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Bằng quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời, anh và gia đình đã tập trung chăn nuôi, mở mang diện tích canh tác lúa nước.

 

Anh Chẻo Diếu Phù bày tỏ:

 

- Nghĩ lại ngày xưa nghiện thì buồn lắm, ở trong bản ai cũng xa lánh. Giờ thì chỉ làm ăn thôi, không theo cái ma túy nữa đâu. Tôi phải làm thật nhiều thì mới bù đắp được lỗi lầm gây ra cho vợ con. Tôi không biết phải cảm ơn các anh biên phòng như thế nào, tôi quyết tâm không đi tiếp con đường xấu ấy nữa đâu.

 

Xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ - địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào Dao, trước đây từng là một điểm nóng về ma túy trên tuyến biên giới Lai Châu. Không còn thuốc phiện, những năm gần đây, người nghiện ở Vàng Ma Chải bắt đầu tiếp cận với hê-rô-in.

 

Ông Phàn Chỉn Màn, Phó chủ tịch UBND xã Vàng Ma Chải, cho biết: Xã hiện có 74 người nghiện ma túy. Dù năm nào xã cũng đề ra chương trình cai nghiện ma túy, hết cai tại nhà, tại cộng đồng rồi cai tại trung tâm huyện, song kết quả không như mong muốn. Sau cai, tỷ lệ tái nghiện vẫn rất cao. Được cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Vàng Ma Chải hỗ trợ cai tại đồn; đồng thời hỗ trợ các gia đình có người nghiện về cây, con giống để phát triển kinh tế sau cai, công tác cai nghiện ma túy ở xã mới đạt kết quả tốt hơn.

 

 

Người dân vùng cao coi các chiến sĩ như người thân của mình

 

 Ông Phàn Chỉn Màn nói:

 

- Đồn biên phòng và chính quyền xã đã cùng nhau đi thăm hỏi các gia đình có con nghiện và tổ chức nhiều chương trình chính sách hỗ trợ cho các hộ có con nghiện tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đó là những việc làm đầy ý nghĩa của chính quyền địa phương và đồn biên phòng Vàng Ma Chải đối với người nghiện và gia đình sau cai. Chúng tôi đánh giá cao việc làm của đồn biên phòng đã đem lại nền kinh tế cho các hộ gia đình có người nghiện ma túy, giúp địa phương phát triển kinh tế.

 

 Thống kê sơ bộ, tại 23 xã biên giới của  tỉnh Lai Châu hiện có hơn 1.600 người nghiện ma túy. Từ năm 2011 đến nay, các đồn biên phòng đã tổ chức cai nghiện tại đồn cho hơn 600 người nghiện, trong đó tỷ lệ người nghiện bỏ hẳn ma túy chiếm trên 50%. Riêng địa bàn 3 xã do Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải quản lý, hiện vẫn còn hơn 160 người đang được hỗ trợ cai nghiện. 

 

Trung tá Bùi Văn Mạnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, cho biết: Việc làm đầu tiên của bộ đội biên phòng là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tác hại của ma tuý, đặc biệt là những người nghiện. Đồng thời, vận động nhân dân tham gia xây dựng mô hình "xã không có ma tuý", phát động phong trào "vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để tuyên truyền. Với việc lấy người cai trước tuyên truyền cho người cai sau, nên mỗi đợt cai luôn thu hút số đông người nghiện trên địa bàn. Cách làm này cũng giúp giảm tỷ lệ tái nghiện sau cai so với những năm trước đây.

 

- Hàng ngày, chúng tôi đều cho cán bộ, chiến sỹ xuống đọc những bài báo có giá trị về công tác phòng chống cai nghiện, từ đó người nghiện rất yên tâm lên đơn vị để cai. Sau cai nghiện, chúng tôi tập trung vào cấp đất cho những hộ không có đất tăng gia chăn nuôi, sản xuất.

 

Sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của cán  bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng trên tuyến biên giới Lai Châu trong công tác cai nghiện đã giúp nhiều mảnh đời lầm lỗi được trở về với cộng đồng. Để rồi, từng thửa ruộng, nương lúa lại tươi xanh.




Khắc Kiên/VOV -Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC