Đưa y học công nghệ cao lên miền núi
Thứ tư, 00:00, 03/08/2016 CT Hà CT Hà

(VOV4) - Những năm qua, Nhà nước đã tập trung đầu tư y tế công nghệ cao cho các tỉnh miền núi. Nhiều bệnh viện đã tổ chức khám chữa bệnh cho người dân ở những vùng xa xôi, hẻo lánh.

 So với mặt bằng chung của các tỉnh miền núi phía Bắc, Cao Bằng có hệ thống cơ sở y tế được đánh giá là hoạt động khá hiệu quả. Hôm 20/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng đã phẫu thuật thành công bằng dao mổ siêu âm Lutus Series 4 cho bệnh nhân Phan Thị Sìn, 77 tuổi, ở bản Răm, xã Lương Thiện, huyện Phục Hoà. Bệnh nhân Sìn bị loét dạ dày, hẹp môn vị, được mổ cắt 3/4 dạ dày chỉ trong vòng 45 phút.

 

Thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Cao Bằng tích cực tiếp thu các kỹ thuật chuyên môn được chuyển giao từ tuyến trung ương, đồng thời giúp tuyến dưới xử trí một số trường hợp cấp cứu. Thời gian gần đây, số bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo gia tăng, bệnh viện đã đưa bộ phận điều trị ung thư vào hoạt động, góp phần khắc phục tình trạng người bệnh phải vượt chặng đường mấy trăm cây số về Hà Nội. Bệnh viện cũng được trang bị 4 máy chạy thận nhân tạo. Đây là niềm vui cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính, như chị Phan Thị Thanh, dân tộc Tày, ở xóm Lăng Phe, xã Hồng Định, huyện Quảng Hòa.

Chị Thanh đã vất vả suốt mười mấy năm để về Hà Nội chạy thận, phải làm đủ mọi nghề để kiếm tiền sinh sống và chữa bệnh: “Bây giờ về đây gần nhà thuận tiện hơn, chồng con đưa đi chữa bệnh, nhàn hơn, được chạy thận gần nhà, chẳng phải suy nghĩ gì nhiều”.

 

 

Lần đầu tiên, bà con được tiếp cận với thiết bị đo huyết áp hiện đại.  Ảnh: Hoài Nam

 

Ông Phương Đức Cù, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, cho biết: hiện nay, tại tất cả 14 bệnh viện tuyến huyện, thành phố của Cao Bằng, chất lượng dịch vụ y tế đều chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. 126 trạm y tế xã được đầu tư xây dựng từ lâu, hiện đã xuống cấp trầm trọng, chật hẹp, không đủ trang thiết bị và không có trang thiết bị chuyên khoa theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Cao Bằng gặp rất nhiều khó khăn trong việc chữa trị bệnh, do những hủ tục, tập quán nặng nề, nhiều người không chịu đến với các cơ sở y tế, nhất là khi sinh nở. Bình quân toàn tỉnh vẫn còn tới 28% số ca sinh đẻ tại nhà. Bởi vậy, hiện nay, tỷ suất chết mẹ khi sinh tại Cao Bằng cao gấp rưỡi mức bình quân chung.

Anh Nguyễn Duy Đạo, ở thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc, cho biết: “Bị bệnh hiểm nghèo họ rất sợ. Thứ 2, tìm đến với những bệnh viện lớn là điều họ cảm thấy xa lạ và sợ hãi. Người dân chỗ em còn rất ngại ngùng khi giao tiếp, ra khỏi địa bàn sinh sống càng nhút nhát hơn. Đôi khi lên bệnh viện huyện họ còn ngại”.

 

 

Bác sĩ Lan Anh (BV.Việt Đức) siêu âm tim cho trẻ em vùng cao. Ảnh: Thu Hà/VOV4

 

 Mấy năm gần đây, các bệnh viện tuyến Trung ương như Hữu Nghị, Việt Đức, Bạch Mai, 108, Nhi Trung ương thường xuyên cử các y, bác sĩ đưa máy móc, thiết bị lên tận vùng cao để khám chữa bệnh cho người dân. Khoa tim mạch, lồng ngực bệnh viện Việt Đức đã đưa những bác sĩ trẻ đến những huyện xa nhất, khó khăn nhất của các tỉnh miền núi để khám và sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em người dân tộc thiểu số.

 

Bác sĩ Nguyễn Tùng Sơn, Khoa Tim mạch lồng ngực, Việt Đức cho biết: “Công việc này rất thú vị vì mình được đi vùng xa, khám cho đồng bào , giúp đồng bào tiết kiệm chi phí. Với tim bẩm sinh chỉ cần khám áp tai nghe là phát hiện ra bệnh. 90% bệnh tim bẩm sinh có thể phát hiện sớm và sàng lọc được, từ đó có những can thiệp kịp thời. Hiện nay, bệnh viện Việt Đức đã có máy siêu âm xách tay, có thể đưa đến những bản rất xa để khám và sàng lọc bệnh cho các cháu, sau đó chuyển về bệnh viện Việt Đức để xử lý bệnh cho các cháu”.

 

Mới đây nhất, đoàn y bác sĩ Samary Nhân lành của Mỹ đã đến khám chữa bệnh cho người dân ở Cao Bằng. Đây là một tổ chức do những Việt Kiều tại Mỹ thành lập. Chỉ trong 10 ngày đầu của tháng 7 vừa rồi, đoàn đã khám và điều trị cho hơn 2.800 người nghèo trong tỉnh. Đây là năm thứ 10 liên tiếp đoàn thực hiện chuyến đi khám bệnh và điều trị tại 2 tỉnh Cao Bằng và Bắc Cạn.

 

Cách đây chưa lâu, sau các  chuyến khảo sát hệ thống y tế tại Cao Bằng, Điện Biên và Bắc Cạn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cam kết tới đây, ngoài các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nhân lực cho y tế các tỉnh miền núi như triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, đề án 1816, đề án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về 62 huyện nghèo, Bộ Y tế sẽ cố gắng huy động các nguồn lực để đầu tư thỏa đáng hơn cho y tế cơ sở miền núi. Như vậy, người dân các tỉnh miền núi sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế công nghệ cao để chăm sóc sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

 

Thu Hà/VOV4

CT Hà

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC