Gần 22% người DTTS không thể đọc, viết tiếng phổ thông
Thứ sáu, 00:00, 05/05/2017 Thu Hòa biên tập bài Thu Hòa biên tập bài

VOV4.VN - Xóa mù chữ và chống tái mù chữ ở vùng dân tộc thiểu số không phải là câu chuyện mới. Các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này. Nhưng thực tế ra sao?

   

Trong Hội thảo "Thúc đầy phát triển dân tộc thiểu số - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Uỷ ban Dân tộc tổ chức mới đây, nhiều con số khiến các đại biểu sửng sốt. Đặc biệt trong số đó là tỷ lệ người mù chữ và tái mù chữ ở các vùng DTTS còn khá cao, tập trung ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Vì sao vẫn còn thực trạng đáng lo ngại này?

 

Ông Nguyễn Cao Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Uỷ ban Dân tộc, đưa ra con số giật mình: 21,8% tỷ lệ người dân tộc thiểu số chưa biết đọc biết viết tiếng phổ thông?

 

"Chúng tôi tính rằng, nếu mỗi năm giảm 1,2% theo kỳ vọng trong Quyết định 1557 của Thủ tướng Chính phủ thì 6 dân tộc Lự, La Hủ, Mảng, Mông, Cơ Lao phải cần đến trên 40 năm, nghĩa là phải năm 2057 thì các dân tộc đó mới có thể đạt được con số gần 100% biết chữ. Các dân tộc khác cũng phải mất 34 năm" - ông Thịnh nói.

 

Lý giải cho những con số này, bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc, cho rằng là do bất bình đẳng giới, phụ nữ dân tộc hầu như không được đến trường. Riêng ở Hà Giang có 28.000 phụ nữ bị “mù” chữ, trong đó có 18.000 phụ nữ “mù” cả tiếng phổ thông.

 

Có ban chỉ đạo phổ cập giáo dục cấp xã nhưng các ban này hoạt động cầm chừng, chưa thật sự quan tâm tới công tác xóa mù chữ. Trầy trật học chữ học tiếng, rồi cũng không thay đổi cuộc sống là mấy, nên đồng bào dễ chán nản buông xuôi.

 

Kinh phí ít, cơ sở vật chất nghèo nàn, tài liệu học xóa mù chữ chưa phù hợp, việc huy động người dân đến lớp học đôi khi chỉ theo phong trào hay chỉ để đủ sĩ số... đó là những nguyên do khiến công tác xóa mù chữ không đạt kết quả như mong muốn. Quan trọng hơn, nói như cô giáo Lý A Hơn, dân tộc Hà Nhì, giảng dạy tại xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, Lai Châu: Học mà không đi đôi với hành, học mà không thường xuyên sử dụng đến chữ viết, thì tái mù là điều dễ hiểu.

 

Bà Bế Thị Hồng Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách DT của UBDT, nhấn mạnh, thay đổi cần trước hết từ nhận thức. Những người hoạch định chính sách cần đặt mình vào vị trí của người học xóa mù chữ: "Cần thay đổi tư duy là chính sách mang tính chất hỗ trợ, đưa từ trên xuống mà chính sách không từ dưới lên, phân tích tại sao trong hoàn cảnh như thế giáo dục không được người ta quan tâm".

 

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, để đạt được mục tiêu, cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành liên quan, từ Trung ương tới địa phương. Các tỉnh có đông đồng bào DTTS phải mở rộng độ tuổi xóa mù chữ và chú trọng xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em gái. Lồng ghép vừa dạy chữ vừa giúp bà con cập nhật kiến thức chăn nuôi trồng trọt, áp dụng vào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống… Những cán bộ, giáo viên tham gia công tác xóa mù chữ ở vùng đồng bào DTTS nhất thiết phải biết tiếng dân tộc. Xây dựng chính sách đãi ngộ đối với những người tham gia giảng dạy. Như vậy mới có thể huy động các lực lượng dạy chữ hiệu quả như: cán bộ hưu trí, hội viên các hội, đoàn thể và cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng

 

Đề án "Xóa mù chữ đến năm 2020" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2020 xóa mù chữ cho 1,2 triệu người trong độ tuổi từ 15-60, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 98%.

 

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

 

 

Thu Hòa biên tập bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC