Công trình hồ chứa nước Nặm Cắt được xây dựng trên sông Nặm Cắt, chia thành hai hợp phần, gồm: Hợp phần xây dựng hồ chứa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, hợp phần giải phóng mặt bằng lòng hồ do UBND thành phố Bắc Kạn làm chủ đầu tư.
Theo kế hoạch, công trình hồ chứa nước Nặm Cắt sẽ chặn dòng, tích nước vào đầu năm 2016, diện tích ngập nước sẽ chiếm trên 100ha; hơn 150 hộ dân ở các thôn Nà Pài, Bản Pẻn và Bản Bung thuộc xã Dương Quang phải chuyển đến nơi ở mới. Nhưng đến thời điểm này, do thiếu vốn để di dân và thực hiện xây dựng khu tái định cư, cuộc sống của người dân đang gặp khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão.
Tại các khu vực gần công trường xây dựng hồ Nặm Cắt, người dân thường xuyên phải sống trong cảnh bụi bặm mù mịt với những con đường đất bị cày xới, đá cục đá hòn ngổn ngang và vô số ổ voi, ổ gà. Nhưng tệ hơn cả là vào những ngày mưa, đường trong thôn trở nên lầy lội, nhếch nhác bùn đất.
Không chỉ vậy, nỗi lo lớn nhất của dân là việc dòng sông Nặm Cắt bị thu hẹp quá nhiều. Khi mùa mưa lũ tới, nước trên sông Nặm Cắt sẽ dâng cao, chảy mạnh, tiềm ẩn nguy cơ cuốn trôi nhà cửa, tài sản của người dân.
Chị Phạm Thị Quỳnh, trú tại thôn Bản Pẻn, chia sẻ: "Vừa qua có hai trận lũ, ngập lụt một số hộ dân trong này. Dãy dưới này là hầu như ngập lụt hết. Phải di chuyển đồ đạc. Thiệt hại về hoa màu, về tài sản thì rất là nhiều".
Dân mong muốn khu tái định cư phải tốt hơn nơi ở cũ, hạ tầng cần được đầu tư hoàn chỉnh. Tuy nhiên trên thực tế, tại khu tái định cư Khuổi Kén, thôn Phặc Tràng, người dân luôn cảm thấy lo lắng vì ta luy còn quá cao, dốc, rất dễ gây sạt lở nếu trời mưa lớn. Bên cạnh đó, do từ trước tới nay sinh sống trong vùng lòng hồ nên hầu hết người dân chỉ biết làm nghề nông. Khi được chuyển ra khu tái định cư, nhiều hộ không còn đủ tiền để mua đất nông nghiệp canh tác. Một số hộ lo lắng khi đến nay vẫn chưa tìm được việc làm mới nên không có nguồn thu nhập nào. Số tiền được bồi thường đang vơi dần để trang trải cho chi phí sinh hoạt hằng ngày.
Ông Mã Hoàng Liệc, ở thôn Bản Pẻn, lo lắng: "Nói chung là khu mới thì cũng tốt, cũng có đất canh tác nhưng mình không có tiền mà mua. Tôi tự bảo sau này mình sẽ tính toán, kiếm việc khác chứ làm ruộng thì đất kia cũng không tốt lắm".
Ông Nguyễn Duy Diệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn, cho biết do thiếu vốn nên việc đền bù đất đai, tài sản, hoa màu của nhiều hộ dân vùng lòng hồ chưa thực hiện được. Mỗi lần thống kê, áp giá, sau sáu tháng không có tiền chi trả là lại phải làm lại. Đồng thời, việc thay đổi chế độ chính sách dẫn tới chênh lệch về giá nên số vốn tăng thêm để hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư là trên 250 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Bắc Kạn đang chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Chính phủ cấp thêm vốn để thi công.
Ông Nguyễn Duy Diệp nhấn mạnh địa phương đang đưa ra các phương án tạm thời để đảm bảo an toàn cho người dân, trước mắt là với 23 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ cao.
Những chiếc cầu gỗ dễ dàng bị cuốn trôi nếu có lũ
Vào những lần có lũ lớn về, nhiều cây ngập đến ngọn
Những con đường lầy lội, đặc biệt vào những ngày mưa, làm khổ người dân
Người dân tại khu tái định cư lo lắng vì ta-luy cao, dốc phía sau nhà
Hoàng Quy/VOV-Đông Bắc
Viết bình luận