Hoạch định chính sách dân tộc từ kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số
Thứ năm, 00:00, 20/10/2016 Tâm CT Tâm CT

(VOV4) - Kết quả điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện năm 2015 vừa được công bố. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là một công trình đồ sộ, có giá trị cao, phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu, hoạch định chiến lược và chính sách dân tộc trong giai đoạn tới.



 

Tiến sĩ Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho rằng cuộc điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số “là một sự kiện quan trọng của những người làm công tác dân tộc. Lần đầu tiên chúng ta có một cuộc điều tra quy mô trên phạm vi toàn quốc về tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội theo từng dân tộc thiểu số”. 

 

Toàn bộ thông tin của cuộc điều tra đã được Tổng cục Thống kê bàn giao cho Ủy ban Dân tộc, và được thông tin công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan này. Nhiều con số được công bố từ bản điều tra thực trạng kinh tế xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015 khiến nhiều người quan tâm, thậm chí lo ngại:

 

- Tới ngày 1/7/2015, cả nước có gần 13.400.000 người dân tộc thiểu số. Đứng đầu là tỉnh Sơn La, hơn 1 triệu người.

 

- Thu nhập bình quân hàng tháng của một hộ DTTS là khoảng 1.160.000 đồng, chưa bằng một nửa mức bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo là 23,1%, cao hơn 3,3 lần so với mức trung bình chung của cả nước. Trong đó, các dân tộc Ơ Đu, Co, Mảng, Chứt có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. 

 

Kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số có ý nghĩa lớn trong việc hoạch định chính sách dân tộc thời gian tới.    Ảnh: dantri.com

 

- Đứng đầu danh sách các dân tộc có tỷ lệ nghèo cao nhất là La Hủ, gần 84%. Có dân tộc vừa thuộc nhóm có tỷ lệ hộ nghèo cao, vừa có tỷ lệ hộ cận nghèo cao như dân tộc Co. Có những dân tộc tuy không thuộc nhóm có tỷ lệ hộ nghèo cao, song lại có tỷ lệ hộ cận nghèo cao. 

 

- Tuổi thọ trung bình của người DTTS là 69,9 tuổi. Xét theo từng dân tộc thì tuổi thọ trung bình có sự khác biệt rất lớn: Dân tộc Hoa: 76,2; La Hủ: 57,6; Lự: 59,3;  Mảng: 60,2.

 

- Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người dân tộc thiểu số là 21. Nhưng một số dân tộc lại có tuổi kết hôn lần đầu thấp, như Lự: 18,7; Brau: 18,8; Mông: 18,9. Trong năm 2014, có tới 1/4 trường hợp kết hôn là tảo hôn. Nữ giới tảo hôn nhiều hơn nam giới. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống ở một số dân tộc rất cao như Mạ, Mảng, M’nông, gần 5%.

 

- Gần 2/3 số hộ DTTS có thể nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam hoặc Đài phát thanh tỉnh, huyện. Tỷ lệ hộ tiếp cận với Đài thấp nhất là Ơ Đu, chưa đến 7% dân số.

 

- 21% người DTTS tuổi từ 15 trở lên không thể đọc, viết và hiểu một câu đơn giản bằng chữ phổ thông. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đối với những người có việc làm từ 15 tuổi trở lên chỉ 6,2% (cả nước là 18,2%).

 

Những số liệu của cuộc điều tra lần đầu tiên về 53 dân tộc thiểu số sẽ là cơ sở để hoạch định chiến lược công tác dân tộc, xây dựng chính sách dân tộc sát thực hơn, hiệu quả hơn, nhằm mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách giữa các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. 

 

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, điều tra thực trạng kinh tế xã hội 53 dân tộc thiểu số cứ 5 năm lại được thực hiện một lần. Theo dự kiến, cuộc điều tra tiếp theo sẽ thực hiện vào năm 2019.

 

 

 

Thanh Tâm/VOV4

 

Tâm CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC