Chiều ngày 17/10, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động- Thương binh và xã hội phối hợp với tổ chức ActionAid Việt Nam và Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn tài liệu hướng dẫn Mô hình thí điểm thành phố và làng quê an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái. Với sự tham gia của 60 đại biểu là đại diện một số bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia giới.
Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác năm 2018 giữa Bộ Lao động- Thương binh và xã hội (Vụ Bình đẳng giới) và tổ chức ActionAid Việt Nam nhằm thí điểm triển khai mô hình.
Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới phát biểu tại buổi tham vấn.
Tại Việt Nam, dân số thành thị đang phát triển nhanh chóng. Năm 2015 có 35,7% dân số Việt Nam sống ở thành thị và ước tính con số này sẽ lến đến 40% năm 2020. Như vậy quá trình đô thị hóa sẽ mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức, đặc biệt trong việc cung cấp và duy trì các dịch vụ công dễ tiếp cận, chi phí phù hợp và an toàn đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Theo nghiên cứu của một số tổ chức như ActionAid thì năm 2014 có đến 85% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. Một nghiên cứu khác của Vụ Bình đẳng giới và ActionAid thực hiện năm 2016 cho thấy có 63% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy lo lắng ở những địa điểm công cộng, 51% cảm thấy không an toàn trên xe buýt và trạm dừng xe buýt.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang từng bước nỗ lực thúc đẩy thực hiện cam kết quốc tế thông qua việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ nói chung về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói riêng.
Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được coi là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Tại hội thảo bà Nguyễn Phương Thúy, Trưởng phòng chính sách và truyền thông của Tổ chức ActionAid Việt Nam chia sẻ, thông qua hội thảo sẽ lấy những ý kiến đóng góp trước khi thí điểm trong năm 2019. Cuối năm 2019 sẽ có đánh giá lại các tiêu chí phù hợp rồi trình lên các cấp có thẩm quyền để bộ tiêu chí này sẽ được áp dụng trên toàn quốc.
Các ý kiến tham vấn sẽ được thí điểm trong năm 2019.
Việc thí điểm thành phố và làng quê an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái sẽ chú trọng đến công tác truyền thông, bởi hiện nay đối với đồng bào dân tộc việc tiếp cận thông tin còn hạn chế, mà phụ nữ, trẻ em chính là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất.
Theo bà Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ xã Dang Kang, huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc, để truyền thông thì hình ảnh vẫn là phương thức nhanh và thiết thực nhất. Bởi việc nâng cao nhận thức truyền thông bằng hình ảnh thì đối tượng tiếp nhận sẽ nhận thức được ngay, thấy sợ và có cảnh giác, còn nếu viết thì họ sẽ quên nhanh./.
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận