Ka Tăng, bản tái định cư kiểu mẫu
Thứ ba, 00:00, 02/08/2016

(VOV) - Khu tái định cư Ka Tăng ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, là nơi sinh sống của 51 hộ người dân tộc Vân Kiều. Đây là Khu tái định cư kiểu mẫu ở Quảng Trị nhờ hoàn thiện về kết cấu hạ tầng, người dân đồng thuận về ở.

 

Dẫn chúng tôi thăm những dãy nhà mới cao tầng nằm san sát ở khu tái định cư Ka Tăng, ông Pả Dừa, Trưởng bản Ka Tăng, cho biết trước đây ai cũng ngại đến sinh sống, làm ăn dưới chân núi này. Bây giờ, bà con dân bản về nơi ở mới này, nhờ nhà nước hỗ trợ và nỗ lực của người dân, nhà nào cũng xây dựng kiên cố, bản làng đẹp không khác gì ở phố!

 

 

Khu tái định cư Ka Tăng được xem là khu tái định cư kiểu mẫu của tỉnh Quảng Trị

 

Ông Pả Dừa nói bây giờ bà con tập trung làm kinh tế vườn, rừng, thoát được cảnh nghèo đói nên ai cũng phấn khởi: “Về đây thì Đảng và Nhà nước quan tâm đường, điện, trạm y tế, rồi nhà cửa rất là hoành tráng. Bà con chủ yếu trồng chuối, trồng sắn, trồng rừng, đời sống khá giả hơn trước đây”.

 

Trước đây, dân bản Ka Tăng sinh sống dọc khu vực biên giới Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Năm 2013, do nằm trong Dự án quy hoạch, xây dựng và phát triển Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo nên bà con phải di dời tái định cư dưới chân núi Ka Tăng.

 

UBND thị trấn Lao Bảo cho bà con tự chọn đất để xây dựng nhà, chọn vị trí ở theo bà con, dòng tộc. Bản tái định cư Ka Tăng có 3 loại nhà được xây dựng, tùy theo số lượng nhân khẩu mà phân bổ kinh phí hỗ trợ.

 

Một góc khu tái định cư Ka Tăng

 

Ông Lê Bá Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, cho biết Khu tái định cư Ka Tăng được đầu tư xây dựng trên diện tích 25 ha với kinh phí 50 tỷ đồng: “Từ khi bà con tổ 4 Ka Tăng đến khu tái định cư mới thì đời sống của bà con từng bước ổn định, sản xuất của bà con thuận lợi hơn. Đặc biệt, ngoài phát triển kinh tế, bà con Ka Tăng tham gia với nhân dân thị trấn Lao Bảo để bảo vệ an ninh biên giới quốc gia”.

 

Khu tái định cư Ka Tăng được xem là kiểu mẫu của tỉnh Quảng Trị nhờ vị trí phù hợp, kết cấu hạ tầng hoàn thiện, đảm bảo cho việc phát triển sản xuất, học tập và sinh hoạt văn hóa của người dân. Nằm sát biên giới Việt-Lào, bản Ka Tăng kết nghĩa với bản Đen Sa Vẳn của nước bạn Lào. Nhân dân hai bản thường xuyên  giao lưu, gìn giữ tình bạn hữu, cùng nhau bảo vệ an ninh biên giới và giữ gìn cột mốc chủ quyền biên giới của hai quốc gia.

 

 

 

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC