Kiên quyết ngăn chặn việc cho dân vay nặng lãi để trồng ngô
Thứ ba, 00:00, 25/10/2016

(VOV) - Trước phản ánh của Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí về tình trạng người dân nghèo Sơn La trồng ngô mất cả chì lẫn chài, nợ nần chồng chất, dẫn đến việc phải gán đất cho tư thương, hôm nay, UBND tỉnh Sơn La đã họp với các ngành chức năng và các cơ quan báo chí để tìm hướng tháo gỡ.

 

Nguyên nhân cơ bản là do điều kiện kinh tế, xã hội ở các xã vùng cao biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; một số cán bộ xã, bản trình độ năng lực còn hạn chế, chưa kịp thời tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất; cấp ủy, chính quyền chưa tập trung chỉ đạo sát sao để có những giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục tình trạng này.

 

 

Trồng ngô nhiều năm, nhiều hộ gia đình ở Sơn La nghèo vẫn hoàn nghèo

 

Các đại biểu tham gia cuộc họp đã bàn nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ tình trạng vay nợ nặng lãi, gán đất của đồng bào một số xã. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ tính pháp lý của các giấy tờ vay nợ, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm theo quy định; tăng cường bám nắm địa bàn, không để tình trạng vay nợ, thuê thầu đất, gán đất làm ảnh hưởng đến an ninh - trật tự trên địa bàn và không để phát sinh nợ mới.

 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ; tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; rà soát phân loại các hộ gia đình không còn đất để có phương án hỗ trợ cây trồng, vật nuôi; các tổ chức tín dụng vào cuộc để người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sản xuất.

 

Việc người dân vay nợ để trồng ngô và rơi vào tình trạng không có khả năng thanh toán đã diễn ra nhiều năm ở huyện Mai Sơn, chủ yếu tập trung ở các xã vùng cao như Chiềng Lương, Phiêng Pằn, Chiềng Nơi... Người dân đã vay nợ của các chủ đầu tư để mua ngô giống, phân bón, gạo, muối, mì chính... với lãi suất rất cao. Đến mùa thu hoạch, giá ngô thấp, dân không đủ trả nợ và tiếp tục nợ đến năm sau.

 

 

Tuyết Lan/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC