Mai một văn hóa tộc người Tây Nguyên
Thứ tư, 00:00, 03/08/2016 Minh CT Minh CT

(VOV4) - Rừng bị tàn phá nhanh trong những năm qua là một trong những nguyên nhân phá vỡ cấu trúc văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên. Quy mô không gian làng buôn ngày càng thu hẹp.



 

Tại hội thảo khoa học “Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên - Bảo tồn và phát huy giá trị” do Viện khoa học xã hội vùng Tây Nguyên (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) vừa tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, hơn 90 tham luận đã chỉ ra tác động tiêu cực của quá trình phát triển và hội nhập tới văn hóa truyền thống của các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên.

 

Nói thạo tiếng mẹ đẻ cũng khó

 

Ông Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, cảnh báo: Nguy cơ chạy theo lối sống hiện đại của một bộ phận lớp trẻ dân tộc thiểu số đã làm một số giá trị văn hóa truyền thống bị thay đổi. Một số lễ hội bị tách khỏi không gian văn hóa vốn có của nó, trở thành đơn điệu, mất đi sự linh thiêng. Không gian, môi trường diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên đang bị biến dạng và mất dần. Nhà cửa, cách ăn mặc, các nghi lễ, các phong tục truyền thống tốt đẹp mai một dần. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên là một yêu cầu vừa lâu dài vừa cấp thiết. 

 

 

Những mái nhà rông truyền thống biến mất, thay vào đó là những mái nhà lợp tôn   

 

Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng rừng bị tàn phá nhanh trong những năm qua cũng là một trong những nguyên nhân phá vỡ cấu trúc văn hóa truyền thống của các tộc người ở Tây Nguyên. Quy mô không gian làng buôn ngày càng thu hẹp, nhất là tại những khu định cư mới. Điều rất đáng lo ngại là đời sống của các dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn nên đồng bào chưa có nhiều điều kiện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

 

Giáo sư - Tiến sĩ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản Văn hóa quốc gia, ví dụ: "Khi chúng tôi đi thăm đồng bào tái định cư ở khu vực Boxit Tây Nguyên thì vào nhà đồng bào dân tộc thiểu số mà chỉ có 40 mét vuông, làm theo lối là xây xi măng. Những yếu tố về văn hóa truyền thống không còn nữa".

 

Tiến sĩ ngôn ngữ học Hồ Xuân Mai, Viện Khoa học xã hội TP.HCM nhấn mạnh ngôn ngữ và văn hóa có mối quan hệ mật thiết. Muốn bảo vệ văn hóa của một tộc người thì trước tiên cần bảo vệ tiếng nói của họ trước. Việc bảo vệ văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn bởi sự giao thoa, tiếp xúc cả về văn hóa lẫn ngôn ngữ ở đây đang diễn ra mạnh mẽ, phức tạp, đa dạng, trong khi năng lực hiểu và nói tiếng mẹ đẻ của mỗi cá nhân trong mỗi cộng đồng còn nhiều hạn chế:

 

“Chúng tôi khảo sát 572 sinh viên các tộc người thì số sinh viên trả lời là giỏi tiếng Kinh chiếm hơn 60, 49%. Hỏi khi nói chuyện với những bạn cùng tộc người trong phòng trọ thì bạn dùng tiếng gì, thì câu trả lời là thường sử dụng tiếng mẹ đẻ, tỷ lệ này là hơn 63%. Tôi hỏi sao cùng chung một phòng mà không dùng tiếng mẹ đẻ hoàn toàn thì câu trả lời rất đáng buồn, đó là không biết diễn đạt bằng cách nào, tức là không đủ từ vựng để diễn đạt bằng tiếng mẹ đẻ. Mà một khi tiếng mẹ đẻ không sử dụng được tốt, thì văn hóa tộc người đó sẽ đứng trước những nguy cơ bị mai một”.

 

Gìn giữ văn hóa không phải bằng sân khấu hóa

 

Theo Thạc sĩ Hoàng Thanh Hương, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, thì Tây Nguyên là địa bàn có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, là tài nguyên để phát triển du lịch. Vì vậy, cần phải có những kế hoạch cụ thể, bài bản để khai thác những tài nguyên đó, vừa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đồng thời đem lại lợi ích kinh tế cho người dân:

 

"Cần xây dựng các chương trình nhằm nâng cao ý thức cộng đồng của địa phương trong việc giữ gìn, bảo vệ và tôn tạo các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho người dân có các sản phẩm đẹp, chất lượng, thu hút du khách; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; có kế hoạch cụ thể để từng bước khôi phục các lễ hội; bảo vệ, trùng tu tôn tạo các khu nhà mồ, nhà rông, nhà dài đưa vào các sản phẩm du lịch cộng đồng tộc người phục vụ phát triển du lịch".

 

Nhà mồ của dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên phục dựng tại Làng văn hóa - du lịch

 

Thạc sĩ Hoàng Thanh Hương phân tích: phần lớn du khách đến tham quan một vùng đất nào đó thì đều thích thú với các  giá trị văn hóa địa phương và không chấp nhận những yếu tố sai lệch, lai tạp. Vì vậy, các yếu  tố gốc và tính xác thực của các di sản văn hóa cần được các địa phương quan tâm chọn lựa, để đưa vào hoạt động du lịch, tránh làm sai lệch hoặc biến tướng, sẽ khiến du khách hiểu sai hoặc chỉ được cảm nhận những di sản văn hóa qua hình thức sân khấu hóa.

 

Trước thực trạng mai một tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số  tại chỗ vùng Tây Nguyên, Tiến sĩ ngôn ngữ học Hồ Xuân Mai, Viện Khoa học xã hội TP.HCM, kiến nghị cần những chủ trương mới, có kế hoạch, có chế tài rốt ráo hơn nữa để khắc phục. Chẳng hạn, đối với công chức là người dân tộc thiểu số, có thể đưa yếu tố “nói được tiếng mẹ đẻ” vào tiêu chí để thi tuyển công chức: "Chúng ta cứ tập trung về hội nhập và phát triển này nọ nhưng không ai để ý đến yếu tố văn hóa đầu tiên và cuối cùng của một tộc người. Như thế, ngôn ngữ các tộc người  sẽ ngày càng mai một và tộc người đó cũng có nguy cơ sẽ mất".

 

Những phân tích, kiến nghị của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa… là những gợi ý để các địa phương khu vực Tây nguyên xác định rõ những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa.

 

 

 

Hoàng Minh/VOV4

 

Minh CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC