Mô hình này do Đồn Biên phòng Na Cô Sa phối hợp với xã Na Cô Sa, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ triển khai thực hiện với tổng kinh phí là 130 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhóm thiện nguyện “Hội Cựu học sinh trường Kim Liên Hà Nội và những người bạn”.
Cây quế được lựa chọn dựa trên nhu cầu thực tế của các hộ dân tại các bản về việc tự nguyện trồng cây lâu năm và đã qua quá trình nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, đánh giá tác động môi trường, tính hiệu quả trong việc phủ xanh đất trống, đất cằn cỗi.
Mô hình “Giúp dân phát triển kinh tế từ cây quế trên diện tích đất nhàn rỗi” được xác định là hướng đi có triển vọng trong phát triển sinh kế lâu dài, tăng thu nhập và giúp người dân trên địa bàn ổn định hơn, dần xóa đói giảm nghèo.
Xã Na Cô Sa có diện tích tự nhiên hơn 12.550ha, toàn xã có hơn 1.000 hộ với hơn 6.000 nhân khẩu thuộc các dân tộc: Mông, Thái, Kinh, Dao, Mường, Tày và Khơ Mú, trong đó, dân tộc Mông chiếm khoảng 97% dân số.
Trung tá Nguyễn Văn Đại, Đồn trưởng đồn Biên phòng Na Cô Sa cho biết: Là xã biên giới, giao thông chia cắt, cơ sở vật chất, hạ tầng còn thấp, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào khai thác lâm thổ sản phụ và làm nương, diện tích ruộng ít; việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất của người dân còn thiếu những kiến thức cơ bản. Do vậy đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, chiếm gần 80%. Trong khi đó, diện tích đất nhàn rỗi chưa canh tác trên địa bàn còn nhiều, tiềm năng nhưng chưa được đánh thức.
Trước thực tế đó, để giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình “xây dựng Nông thôn mới”, những năm qua, cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã có nhiều chủ trương, giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng đổi mới, đột phá, hiệu quả và lâu dài. Trong đó, đơn vị đã đẩy mạnh kết nối với các đoàn từ thiện, nhà hảo tâm, tổ chức xã hội hỗ trợ người dân cây giống, con giống phù hợp để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Trong thời gian qua, Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã kết nối, vận chuyển được 80.000 cây giống thuộc các loại sấu, lát, sa nhân, mận, xoài, cam, chanh…, với tổng trị giá gần 300 triệu đồng để trao tặng cho 350 hộ dân xã Na Cô Sa. Đến nay, số cây này đang phát triển tốt, bước đầu tạo sản phẩm, cho hiệu quả kinh tế, nhờ đó góp phần cải thiện đời sống người dân, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Bài, ảnh: Vũ Lợi/CQTT Tây Bắc
Viết bình luận