Nghịch lý khi bình xét hộ nghèo ở Sơn La
Thứ năm, 00:00, 15/06/2017
VOV4.VN - Tình trạng hộ nghèo nhưng nằm ngoài danh sách, khá giả lại thuộc hộ nghèo đang phổ biến ở các xã, bản của Sốp Cộp. Theo người dân ở đây, chính thang điểm bình xét hộ nghèo đa chiều hiện hành đã tạo nên bất cập này.

 

Anh Vì Văn Quang, ở bản Cang, xã biên giới Nậm Lạnh, năm nay 28 tuổi. Sức dài vai rộng, đầu năm ngoái, anh cùng vợ và con nhỏ xin phép bố mẹ ra ở riêng để dễ lập nghiệp. Làm nhà xong, vừa lúc xã, bản triển khai chương trình hỗ trợ trồng cây ăn quả theo Nghị quyết 30a giảm nghèo nhanh, bền vững ở các huyện nghèo, anh liền đăng ký 240 gốc, cải tạo một nửa diện tích đất vườn của gia đình để trồng cam.

 

Giống cam Vinh mà gia đình trồng hiện đang rất được ưa chuộng trên thị trường. 2 năm nữa vườn cam cho thu hoạch. Ngoài vườn cam, vợ chồng anh còn có một đôi bò, vài trăm m2 ruộng để canh tác. Anh đã thở phào vì cuộc sống không mấy chật vật.

 

Ấy vậy mà đầu năm nay, bình xét, gia đình anh được đưa vào danh sách hộ nghèo của bản. Biết là sẽ được hưởng thụ nhiều chính sách hỗ trợ dành cho hộ nghèo, song anh không thấy mừng mà trái lại còn thấy lăn tăn: "Tuổi trẻ sức dài vai rộng, so với người già, người tàn tật không có khả năng lao động thì nguy cơ nghèo ít hơn. Nhưng nay rơi vào danh sách hộ nghèo theo tiêu chí đã quy định thì em sẽ cố gắng để thoát nghèo để gia đình mình êm ấm hơn, và cũng để các hộ khác nghèo thực sự được hưởng chính sách của Nhà nước".

 

Nhiều nhà kinh tế khá, nhưng vẫn thuộc diện hộ nghèo

Anh Vì Văn Quang (ở giữa) băn khoăn khi được bình xét là hộ nghèo


Áp dụng các chỉ số theo quy định chuẩn nghèo đa chiều hiện tại, gia đình bà Lò Thị Nhóm, ở bản Mường Và, xã biên giới Mường Và, cũng nằm trong danh sách hộ nghèo, trong khi gia đình có 2 xe máy, 6 con trâu, 6 sào ruộng nước và 6 nhân khẩu đang trong độ tuổi lao động.

 

Bà Lò Thị Nhóm bày tỏ: "Trước đây, các con còn nhỏ thì gia đình cũng khó khăn vất vả. Nhưng nay các cháu đã lấy vợ lấy chồng, cả nhà cùng chú tâm làm ăn, ruộng thì 2 vụ, nuôi trâu bò lợn gà nữa, nên thu nhập cũng ổn định, không phải lo lắng gì".

Trong khi ấy, gia đình ông Lò Văn Tương, ở bản Hin Cáp, cùng xã Mường Và, không đủ điều kiện để được công nhận hộ nghèo, khiến không chỉ gia đình ông, mà nhiều hộ dân trong bản cũng thấy đắng lòng. Ở tuổi đã xế chiều, không con cái, ông Tương gần như không còn sức lao động, thần kinh không bình thường, vợ chồngở trong căn nhà xập xệ. Hàng năm, bản, xã vẫn phải hỗ trợ cứu đói 2 - 3 tháng.

 

Nhà ông Lò Văn Tương không vật dụng đáng giá


Tình trạng hộ nghèo nhưng nằm ngoài danh sách; khá giả lại thuộc hộ nghèo đang phổ biến ở các xã, bản của Sốp Cộp. Theo người dân ở đây, chính thang điểm bình xét hộ nghèo đa chiều hiện hành đã tạo nên bất cập này.

 

Ví dụ, tiêu chí về nhân khẩu trong hộ quy định: nhà có 2 người là 60 điểm; nhà 6 người chỉ 15 điểm, có nghĩa là nhà càng đông người thì nguy cơ nghèo càng cao. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu nhà 2 người nhưng đều mất sức lao động; hay nhà có 6 người, mà tất cả đều khỏe mạnh và trong độ tuổi lao động thì thang điểm này không phù hợp.

 

Trong tiêu chí về tài sản quy định 1 xe máy, ti vi, hay máy giặt, tủ lạnh… có điểm từ 10 đến 20, tuy nhiên lại không quy định chất lượng, hay niên hạn sử dụng đồ vật. Do vậy khi chấm điểm thì 1 xe máy cũ không thể vận hành cũng bằng 1 xe đời mới giá trị cao. Hay trong tiêu chí chăn nuôi quy định: nhà có 1 con gia súc thì 0 điểm, có từ 2 con trở lên là 15 điểm. Điều này đồng nghĩa với việc nhà có 2 con trâu cũng tính điểm bằng nhà có cả trăm con trâu. Những bất cập trong quy định này khiến cơ sở rất khó thực hiện khi bình xét hộ nghèo.


Theo thang điểm hiện tại, nhà có 2 con trâu bò cũng bằng nhà có trăm con


Ông Vì Văn Phúc, Phó chủ tịch UBND xã Nậm Lạnh nêu ý kiến: "Đề nghị các cấp có thẩm quyền ban hành các tiêu chí để dân dễ hiểu, dễ áp dụng như quy định cụ thể 2 con trâu bò tính bao nhiêu điểm, 3 con bao nhiêu điểm, 4 con bao nhiêu điểm…để người dân khỏi suy bì tị nạnh nhau".


Ông Quàng Văn Bạt, Bí thư Đảng ủy xã Mường Và, cho rằng: "Việc đánh giá và bình xét hộ nghèo hiện nay theo tôi là chưa đúng đối tượng, vì những đối tượng đáng được là hộ nghèo thì không đủ điều kiện là hộ nghèo, mà những đối tượng không nghèo lại được là hộ nghèo. Việc xác định không đúng đối tượng dẫn đến tình trạng suy bì so sánh lẫn nhau, các đối tượng nghèo thực sự chán nản không muốn tự vươn lên. Như vậy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".

Thống kê đến đầu năm 2017 này, huyện Sốp Cộp có trên 4.600 hộ nghèo, chiếm gần 46% dân số toàn huyện. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch UBND huyện Tòng Thị Kiên, con số này chưa phản ánh đúng thực tế hộ nghèo ở huyện.




Thu Thùy/VOV- Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC