Nguy cơ mai một ngôn ngữ dân tộc thiểu số
Thứ năm, 00:00, 05/01/2017

(VOV) - Trong số 6.700 ngôn ngữ đang được sử dụng trên thế giới, chỉ có gần 4.000 ngôn ngữ được truyền lại cho các thế hệ tiếp nối. Vì vậy, nhiều ngôn ngữ bị lãng quên và ngôn ngữ một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng không tránh khỏi quy luật ấy. Sự mất mát sẽ diễn ra ngày càng nhanh hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa, nếu không có giải pháp tích cực để bảo tồn.

 

Nhà thơ người Khmer Thạch Đà Ni, Chi hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, cho biết không chỉ ở Bạc Liêu mà ở nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ, khi các cây bút trẻ thế hệ 7x, 8x có nhiều cơ hội học tập và giao lưu thì việc sử dụng tiếng phổ thông trong sáng tác ngày càng nhiều và thành thạo hơn so với tiếng dân tộc mình.

 

Mặc dù hiện nay, ở miền Tây Nam Bộ, những người làm văn học nghệ thuật vẫn đang duy trì song song hai hình thức sáng tác bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc, nhưng dường như môi trường sáng tác của văn học dân tộc thiểu số đang hẹp dần, trong phạm vi gia đình hoặc sinh hoạt cộng đồng là chính. Điều đó sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

 

"Từ chỗ không biết, họ sẽ không thể nghiên cứu sâu về văn học nghệ thuật hoặc văn hóa của mình được. Bởi vì văn hóa của mỗi dân tộc chỉ cảm được khi đọc bằng ngôn ngữ của dân tộc đó. Cũng có một số người thuộc thế hệ 7x, 8x biết chữ Khmer, nghiên cứu sâu về văn hóa nhưng lại không thành thạo trong việc thể hiện tác phẩm bằng chữ Việt, nên tác phẩm ấy không đi xa hơn ngoài vùng hoặc ngoài gia đình của họ được" - theo nhà thơ Thạch Đà Ni.

 

Dạy chữ của dân tộc cho trẻ biết nhớ tới nguồn cội. Ảnh: baomoi.com

 

Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số không chỉ bị yếu thế mà còn bị thay đổi trong quá trình giao lưu với ngôn ngữ các dân tộc khác. Hay nói cách khác, đó là sự xâm nhập của ngôn ngữ dân tộc đa số vào ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Như đồng bào Ơ Đu ở Tương Dương, Nghệ An, hiện nay sử dụng tiếng Thái, tiếng Khơ Mú làm ngôn ngữ chính trong giao tiếp, dẫn đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng chịu ảnh hưởng nặng nề văn hóa Thái hay Khơ Mú.

 

GS.TS Trần Trí Dõi, Giám đốc Trung tâm “Nghiên cứu phát triển các dân tộc thiểu số và miền núi”, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: Trong 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay thì người Ơ Đu đã gần như mất tiếng nói. Sự mất dần ngôn ngữ của một số dân tộc thiểu số là một xu thế không thể ngăn cản được:

 

"Ví dụ như bây giờ, nếu như dạy ngôn ngữ cho một người Rục thì họ có thể giao tiếp được trong cộng đồng của họ. Nhưng khi mình dạy cho họ học tiếng Việt, để họ phát triển bình đẳng với người Việt, thì khi quay về họ sẽ có tâm lý ít sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình. Một dân tộc nhỏ, ở cạnh một dân tộc thiểu số khác lớn hơn, ví dụ như người Ơ Đu sinh sống cạnh người Thái, thì khi nào già họ mới nghĩ rằng mình cần giữ lại tiếng Ơ Đu, còn khi trẻ thì họ vẫn nói tiếng Thái - nói tiếng có thể lấy vợ lấy chồng...".

 

Các nhà nghiên cứu cho rằng những dân tộc có dân số dưới 1 triệu người thì việc giữ gìn văn hóa truyền thống sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trong đó biểu hiện rõ rệt nhất là không nói được tiếng mẹ đẻ. Rất nhiều dân tộc hiện nay chỉ có người già nói được tiếng mẹ đẻ, người trung niên nói ít hơn, còn thanh niên, trẻ em thì hầu như không nói hoặc chỉ nói trong hoàn cảnh hết sức hạn chế.

 

Nếu việc sử dụng ngôn ngữ không đồng đều ở các nhóm tuổi và có xu hướng giảm dần giữa các thế hệ thì ngôn ngữ dân tộc ấy có nguy cơ biến mất rất cao. Nguy cơ thứ hai là dân tộc ấy không sử dụng chữ viết để hình thành ngôn ngữ văn học hoặc không có chữ viết của mình, như các dân tộc Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha. Điều đó đồng nghĩa với việc ngôn ngữ sẽ dừng lại ở khẩu ngữ, mượn nhiều từ tiếng Việt và không được phát triển theo những hình thức cao hơn.

 

PGS. TS Tạ Văn Thông, Viện Từ điển học và Bách khoa thư, cho biết: "Nếu chữ viết không được dùng thì nó không tạo thành ngôn ngữ văn học. Có chữ viết thì mới tạo thành ngôn ngữ chuẩn, tức ngôn ngữ văn học. Ngôn ngữ văn học khác khẩu ngữ. Chúng ta nói chuyện với nhau thì từ ngữ hạn chế, còn ngôn ngữ văn học thì vốn từ sang trọng hơn, câu cú triết lý, hình tượng hơn.

 

Các ngôn ngữ ở Việt Nam hiện chủ yếu dừng lại ở khẩu ngữ mà không có ngôn ngữ văn học đi kèm. Tóm lại, nó không được phát triển lên. Thứ hai, nếu không có ngôn ngữ văn học thì những người sáng tác ra trường ca, cổ tích, luật tục, tục ngữ, thành ngữ không có điều kiện ghi lại cho thế hệ sau. Phần lớn những người già kể cho con cháu nghe theo đường truyền miệng, tam sao thất bản, và khi họ mất sẽ đem theo tất cả xuống mồ".

 

Ngôn ngữ là một yếu tố quan trọng, làm nên bản sắc văn hóa của một dân tộc. Song song với việc phổ cập ngôn ngữ, chữ viết phổ thông thì cần khuyến khích đồng bào các dân tộc thiểu số sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Bên cạnh đó, cần sưu tầm, biên dịch và phổ biến những giá trị văn học nghệ thuật để góp phần bảo tồn ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số.

 

 

Phương Thúy /VOV-Trung tâm Tin

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC