Nhóm yếu thế, dân tộc thiểu số vẫn bị tụt hậu trong các ưu tiên phát triển
Thứ năm, 00:00, 27/04/2017

VOV4.VN - Hội thảo “Thúc đẩy phát triển dân tộc thiểu số-không để ai bị bỏ lại phía sau” vừa được tổ chức tại Hà Nội, bàn về chính sách dành cho các nhóm người bị tụt hậu ở Việt Nam, như người dân tộc thiểu số và người di cư từ nông thôn ra thành thị.

 

Nghiên cứu phân tích, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số gần đây cho thấy: Hiện có khoảng 13,4 triệu người phân bố rải rác ở các tỉnh, thành phố, trong đó có những dân tộc có dân số trên 1 triệu người, có dân tộc chỉ vài nghìn người.

 

Một số vấn đề thường thấy và nổi cộm ở các nhóm dân tộc thiểu số là kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết thống; Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ chưa được lưu tâm, mới chỉ có 64% các ca sinh được thực hiện tại các cơ sở y tế; Số người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế chưa đến 45%; Tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi còn thấp; Nữ giới thiệt thòi hơn nam giới về nhiều mặt, bao gồm cả tiếp cận giáo dục, việc làm; Việc tiếp cận cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc còn hạn chế; Gần 1/3 số hộ dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo…

 

Sáng 26/4), tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Viện trợ Anh (Irish Aid) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy phát triển dân tộc thiểu số-không để ai bị bỏ lại phía sau”

 

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho biết, nghiên cứu này tạo cơ sở tiền đề giúp Ủy ban Dân tộc và các nhà làm chính sách xây dựng chính sách phù hợp với các nhóm dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030; Cung cấp thông tin cho các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế trong việc xác định, lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ Việt Nam trong phát triển đối với các dân tộc thiểu số trong thời gian tới.

 

Theo bà Louis Chamberlain, Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam, hai nhóm bị tụt hậu ở Việt Nam là dân tộc thiểu số và người di cư từ nông thôn ra thành thị. Vấn đề bất bình đẳng đối với dân tộc thiểu số mặc dù đã có cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách lớn. Tỷ lệ nghèo tòan quốc là 7% thì tỷ lệ này ở dân tộc thiểu số là 23%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do vị trí địa lý, hạn chế về cơ cấu, các định kiến xã hội về trao quyền, cơ hội và khả năng tiếp cận dịch vụ công. Các nhóm yếu thế thường có ít cơ hội tác động đến các thể chế và chính sách liên quan.

 

Louis Chamberlain cho rằng cần chú ý nhiều hơn nữa đến việc trao quyền cho các nhóm yếu thế nhất trong xã hội và thừa nhận tầm quan trọng của việc để họ tham gia nhiều hơn vào các quy trình hoạch định chính sách. Chính phủ cần giải quyết các khó khăn thử thách và thúc đẩy việc tăng tốc phát triển mục tiêu thiên niên kỷ cho nhóm dân tộc thiểu số:

 

Tại hội thảo, đại diện các bộ, ngành thảo luận về vấn đề thực trạng và thách thức về chăm sóc sức khỏe trẻ em dân tộc thiểu số; đưa ra các khuyến nghị để tái định hướng chính sách nhằm đảm bảo tiến độ phát triển đến được những nhóm tụt hậu nhất…

 

 

 

Kim Thanh/VOV- Trung tâm Tin

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC