Những người lính biên phòng dựng cột mốc lòng dân
Thứ năm, 00:00, 22/12/2016

(VOV) - 20 năm trôi qua, từ một vùng không có dân, những xã giáp biên giới Việt - Trung nơi địa đầu Đông Bắc nay đã trở thành đất kinh tế mới. Những người lính đã chung tay dựng lên “cột mốc lòng dân” bền vững nơi phên dậu.

 

Bắc Sơn, xã vùng cao của Móng Cái, nằm bám theo đường biên, với gần 80% đồng bào là người dân tộc thiểu số.

 

Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi giúp bà con thoát nghèo

 

Ttrưởng thôn Pẹc Nả (xã Bắc Sơn), anh Mả Ngọc Thanh hào hứng kể: Giờ thôn có đường, có điện tới từng nhà. Ít ai biết, 20 năm trước, Bắc Sơn (lúc ấy chưa tách khỏi xã Hải Sơn) là một “vành đai trắng”, lác đác vài nóc nhà tranh vách đất. Dọc sông chỉ có đường mòn, người dân qua lại biên giới khó kiểm soát.

 

Tới những năm 1996, những người lính của đoàn Kinh tế Quốc phòng 327 (Quân khu 3) xây dựng Lâm trường 42, triển khai dự án đưa dân ra xây dựng và bảo vệ biên giới. Bà con từ Tiên Yên, Bình Liêu, Đông Triều, các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên,.. tới ngày một đông, quần tụ thành xóm làng.

 

Các chiến sĩ Lâm trường 42 xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá, đưa đội ngũ trí thức trẻ tham gia vào các mô hình sản xuất, cấp giống mía tím, măng bát độ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con. Các chiến sĩ Đồn biên phòng Bắc Sơn hỗ trợ vốn, cử cán bộ tới từng thôn bản, vừa vận động quần chúng, vừa tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật.

 

Đồng bào Bắc Sơn luôn hỗ trợ biên phòng bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn đường biên mốc giới

 

Trung tá Tạ Viết Phong, Chính trị viên Đồn biên phòng Bắc Sơn, người có duyên 3 lần công tác tại đây, chia sẻ, nhiều năm quay trở lại, anh ngỡ ngàng thấy một Bắc Sơn khác hẳn. Đất hoang thành đồng ruộng, khe suối thành mương máng dẫn nước về. Đường mới như kẻ vẽ dọc biên, đến từng nhà đã thấy không còn cảnh đói ăn nữa.

 

Bắc Sơn giờ có 430 hộ với gần 1.800 nhân khẩu, hoàn thành 36/39 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, bước đầu hình thành các mô hình trang trại, tiến tới kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển du lịch trải nghiệm cộng đồng. Thành quả lớn nhất là thay đổi nhận thức của đồng bào về sinh hoạt, xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu.

 

Quý mến, tin yêu bộ đội, đồng bào trở thành cánh tay đắc lực cho biên phòng bảo vệ biên cương. Đại úy Nguyễn Kiến Hùng, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Bắc Sơn, khẳng định nhiều vụ việc xâm phạm biên giới, buôn lậu bị bắt giữ là nhờ người dân kịp thời thông báo. Có dân làm “tai mắt”, nhiệm vụ của các anh bớt nhọc nhằn hơn.

 

20 năm trôi qua, công sức, tâm huyết của những người lính đã cho trái ngọt.

 

 

 

 

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC