Tuần lễ tiêm chủng với chủ đề: "Hiệu quả của vắc xin" do Tổ chức Y tế thế giới phát động từ mùng 1-6/6. Qua đây, Bộ Y tế đẩy mạnh truyền thông, kêu gọi các bậc cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ những loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, để dự phòng các bệnh truyền nhiễm; Đồng thời đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền đầu tư, chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với công tác tiêm chủng tại mỗi địa phương. Mỗi cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm, thực hành tiêm chủng thuần thục, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tăng cường tiếp cận tiêm chủng tới vùng sâu vùng xa vùng đồng bào dân tộc và các tỉnh, thành phố có di biến động dân cư lớn, tiến tới xoá bỏ các “vùng lõm” về tiêm chủng.
Đến 1-6-2018 tất cả các trạm y tế trong cả nước sẽ quản lý thông tin tiêm chủng bằng phần mềm
Nhân dịp này Bộ Y tế triển khai đồng loạt hệ thống phần mềm thông tin tiêm chủng trong cả nước. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: ”Mục đích của hệ thống là giúp cho những người quản lý cũng như những cán bộ tiêm chủng nắm bắt được toàn bộ số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng trên địa bàn. Từ đó mỗi đợt tiêm chủng sẽ biết được bao nhiêu trẻ cần được tiêm, loại vắc xin nào cần được sử dụng. Chúng tôi gắn kết hệ thống này với mã số công dân sau này để người dân có thể theo dõi lịch sử tiêm chủng của con em mình suốt cả cuộc đời. Lộ trình của chúng tôi là đến 1/6/2018 sẽ tiến tới tiêm chủng không giấy. Toàn bộ sổ sách của tiêm chủng sẽ không còn nữa mà được lưu trên hệ thống điện tử”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho trẻ uống vắc xin bại liệt
Hệ thống quốc gia đã quản lý thông tin tiêm chủng của gần 3,8 triệu trẻ em. Tuy nhiên, tại một số huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tỷ lệ tiêm chủng còn thấp nên thời gian qua vẫn xảy ra những vụ dịch ho gà, thương hàn, viêm não Nhật Bản quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, hơn 600.000 trẻ sinh hàng năm ra không được tiêm chủng kịp thời vắc xin viêm gan B là mỗi lo ngại lớn khi bệnh này đang phổ biến trong cộng đồng.
Ông Masaya Kato, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho rằng: “Năm 2016, 32% trẻ em Việt Nam không được tiêm vắc xin viêm gan B ngay sau sinh. Tất cả chúng ta phải cùng phối hợp để tiếp tục củng cố và phát triển Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam. Để có thể xây dựng một hệ thống tiêm chủng phát triển mạnh mẽ hơn, chúng ta cần phải có một hệ thống y tế minh bạch và chất lượng với cơ chế quản lý đạt tiêu chuẩn. Việc xây dựng được một hệ thống y tế và hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn sẽ củng cố niềm tin của người dân đối với vắc xin. Chúng ta cần kêu gọi các nguồn đầu tư lâu dài cho chương trình tiêm chủng để đảm bảo tính bền vững của chương trình trong bối cảnh các nguồn hỗ trợ bên ngoài đang có xu hướng suy giảm. Chúng ta phải duy trì các nỗ lực hiện tại cũng như tiếp tục cố gắng để tiếp cận những trẻ em mà trước đây đã bị bỏ sót”.
Sau hơn 30 năm triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, hơn 600 triệu liều vắc xin đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ. Nhiều loại vắc xin mới với công nghệ kỹ thuật hiện đại đã được đưa vào sử dụng trong tiêm chủng cho cả trẻ em và người lớn, giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc xin dự phòng từ hàng trăm đến hàng nghìn lần. Thành công của công tác tiêm chủng đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe trẻ em cũng như người dân Việt Nam, góp phần đạt các mục tiêu thiên niên kỷ.
Văn Hải/VOV-Trung tâm Tin
Viết bình luận