Tiếp tay cho tảo hôn sẽ bị phạt ?
Thứ sáu, 00:00, 04/11/2016 P bt P bt

(VOV) - Tình trạng tảo hôn xảy ra ở cả 63 tỉnh, thành, nhưng nhiều nhất là ở vùng dân tộc thiểu số. Giải quyết tình trạng tảo hôn là một trong các giải pháp góp phần giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền con người.


Chị Tẩn Thị Thiệu, ở thôn Hạnh Phúc, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, chưa đầy 20 tuổi. Thiệu cưới chồng từ tuổi 14. Giờ đây, ở cái tuổi đẹp nhất, Thiệu phải chạy vạy lo từng bữa ăn cho gia đình.


Tẩn Thị Thiệu chỉ là trường hợp trong hàng nghìn trường hợp tảo hôn khác tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta. Theo số liệu điều tra của Ủy ban Dân tộc, tỉ lệ tảo hôn chung của vùng dân tộc thiểu số gần 27%. Một số dân tộc có tỉ lệ tảo hôn lên đến 70%.


Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, cho biết: Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe và tinh thần đối với những người kết hôn sớm, nhóm trẻ em có bố mẹ kết hôn quá sớm đối diện nhiều nguy cơ về sức khỏe. Tỉ lệ chết ở trẻ sơ sinh có bố, mẹ kết hôn ở độ tuổi vị thành niên là rất cao:


“Những số liệu cho thấy rằng tỉ lệ chết bà mẹ ở những bà mẹ sinh con khi độ tuổi chưa trưởng thành có tỉ lệ chết gấp nhiều lần so với độ tuổi khác. Ví dụ tuổi 15-19 tỉ lệ chết bà mẹ là gấp đôi so với tuổi 20-24. Tỉ lệ chết trẻ sơ sinh cũng tương tự như vậy”.


Tỉ lệ tảo hôn ở dân tộc Ơ Đu là 73%, dân tộc Mông là 59%, Xinh Mun 56%, La Ha 52%, Rơ Măm 50%, Brâu 50%. Theo bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc,  đây là tỉ lệ đáng báo động:


“Điều 165 của Bộ luật Hình sự đã đưa vào những tội danh xâm phạm quyền bình đẳng giới. Điểm E khoản 1 điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình có quy định rằng: “tảo hôn cũng là một hình thức bạo lực trên cơ sở giới”. Chính vì vậy, tới đây Quốc hội có xem xét để sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, chúng tôi cũng muốn gửi đến Quốc hội xem xét đưa vấn đề tảo hôn, những người tiếp tay cho vấn đề tảo hôn, đồng lõa với tảo hôn thì cũng sẽ có những hình phạt nhất định”.


Theo nhiều chuyên gia, để xây dựng cách tiếp cận giải quyết tảo hôn ở Việt Nam, Chính phủ cần tham vấn các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự, trong đó chú trọng thay đổi các chuẩn mực xã hội nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Đồng thời, cần có các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng các em bỏ học giữa chừng, tạo điều kiện để các em được bố trí việc làm.

 



Hoàng Thái - Đinh Tuấn/VOV

P bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC