(VOV) - Diễn ra từ ngày 15 đến 19/4, các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam thu hút sự tham gia của 120 già làng, trưởng bản, nghệ nhân ở 8 tỉnh từ miền núi phía Bắc tới miền Tây Nam bộ. Sự kiện này đã trở thành ngày hội của đồng bào các dân tộc, góp phần kết nối và tôn vinh những giá trị văn hóa, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết gắn bó của cộng đồng các dân tộc.
Tại ngày hội, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức như biểu diễn nghệ thuật dân tộc, trò chơi dân gian, thi đấu đẩy gậy, trưng bày, giới thiệu các sản vật, ẩm thực dân tộc… Các hoạt động đã tạo cho ngày hội một không gian văn hóa đa màu sắc mang đậm tinh hoa văn hóa Việt Nam.
Tham gia ngày hội, bà Bùi Thị Lan Phương, dân tộc Mường, ở tỉnh Hòa Bình, cho biết:
- Chúng tôi đã đem những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình tới ngôi nhà Mường thân yêu. Đó là những sản vật của người Mường như cồng chiêng, các loại thổ cẩm, những trò chơi dân gian và đặc biệt là ẩm thực của dân tộc chúng tôi được du khách rất là thích. Ban tổ chức sự kiện đã cho các dân tộc được gần gũi nhau hơn, hiểu được bản sắc của nhau và cũng tăng thêm tình đoàn kết các dân tộc gắn bó.
Múa Tắc xình của dân tộc Sán Chay
Điểm nhấn xuyên suốt của chuỗi các hoạt động là tái hiện sinh động các lễ hội truyền thống do đồng bào các dân tộc - những chủ thể văn hóa thực hiện, từ Lễ hội Cầu mùa - giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay, Lễ trưởng thành của dân tộc Ê đê đến Lễ hội nhảy lửa và Lễ mừng thọ của dân tộc Dao. Mỗi lễ hội một màu sắc văn hóa riêng, người xem được trải nghiệm, hòa mình trong những điệu múa, lời hát cùng tiếng cồng chiêng ngân vang, say đắm lòng người.
Từ năm 2009, Chính phủ chọn ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em, tăng cường sức mạnh đoàn kết, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước nhân ái, thủy chung, khơi dậy lòng tự hào về đất nước Việt Nam. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là nơi tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam nói riêng và nhiều sự kiện khác của cộng đồng các dân tộc.
Những tiết mục múa của người Mường trong ngày hội
Ông Lâm Văn Khang, Phó trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, cho biết:
- Một trong chủ trương vận hành, khai thác Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đó là để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình. Chính vì thế, khi tổ chức tất cả các hoạt động, chúng tôi tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc có thể tham gia được nhiều hoạt động. Đồng bào về đây không chỉ tham gia vào các hoạt động của đồng bào mình mà còn giao lưu với nhau và tham gia vào chương trình nghệ thuật. Đây là ước muốn của đồng bào và thông qua đó chúng tôi mong muốn để đồng bào được tham gia thật sâu sắc vào tất cả các sự kiện.
6 năm qua, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam thực sự trở thành ngày hội để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu trong các lễ hội truyền thống, qua đó góp phần giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.
Ông Lâm Văn Triển, dân tộc Sán Chay, ở tỉnh Thái Nguyên, mong muốn:
- Rất vinh dự được đi lễ hội dân tộc, mấy năm nay mới có ngày hội tụ các dân tộc Việt Nam mình. Lễ hội đông vui, rất là phấn khởi. Tôi rất tự hào và mong muốn cứ gắn bó thêm. Mỗi năm hội tụ một hai lần, tuyệt vời lắm.
Hồng Bắc/VOV-Trung tâm Tin
Viết bình luận