Vì sao nông thôn mới ở miền núi chậm tiến độ
Thứ năm, 00:00, 01/12/2016 Hòa - CT Hòa - CT

(VOV4) - Xây dựng nông thôn mới nhưng chưa được đổi mới căn bản, việc ban hành 19 tiêu chí chưa phù hợp, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn, tình trạng lạm thu hoặc huy động đóng góp sức dân quá lớn, vấn đề công khai, minh bạch chưa nghiêm - đó là những nguyên nhân được các đại biểu Quốc hội khóa 14 đưa ra tại kỳ họp thứ 2, để trả lời cho câu hỏi vì sao tiến độ xây dựng nông thôn mới ở miền núi lại chậm?



 

Hầu hết ý kiến đại biểu thừa nhận trong quá trình đi giám sát, các xã đạt được kết quả chỉ là hình thức bước đầu, chứ chưa chuyển nhiều về bản chất.

 

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn ĐBQH Lạng Sơn cho rằng chúng ta đang sai ngay từ khâu tiếp cận vấn đề: "Các xã điểm nông thôn mới hàng đầu của nhiều tỉnh mà tôi có dịp đến thì chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp còn hạn chế, sản xuất hàng hóa chưa nhiều, hướng vào thị trường không bền vững, thiếu sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao. Theo tôi, nên phân bổ hợp lý nguồn lực đầu tư cho các địa bàn và ưu tiên cho những vùng khó khăn để bảo đảm yếu tố bình đẳng nhất định. Thứ hai, sắp xếp lại mức độ ưu tiên, phân loại tiêu chí để cho các địa bàn có thể có đích đến phù hợp, chứ không, với yêu cầu 19 tiêu chí thì quá xa".

 

Cơ sở hạ tầng chưa được chú trọng hay chỉ làm cho có cũng là một nguyên nhân

 

Chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng chưa đi vào thực chất. Nhiều địa phương quyết xây dựng cho đủ hệ thống cơ sở hạ tầng, dẫn đến tình trạng nợ đọng đầm đìa. Con số thống kê nợ từ các công trình nông thôn mới ở khu vực miền núi hiện đã lên đến hơn 15.200 tỷ đồng. Trong khi đó, chợ xây xong không có người buôn bán, trường thì thiếu trẻ đến học, nhà văn hóa bỏ trống, còn các công trình nước sạch, vệ sinh thì bỏ hoang.

 

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân, đoàn ĐBQH Phú Yên, kể: "Chúng tôi khảo sát có những xã chỉ có 3 thôn thì bước qua bên kia đường là chợ rồi mà vẫn phải xây dựng chợ mới, hay phải quy hoạch xây dựng sân vận động thì 3 thôn đá bóng với ai. Tiêu chí 90% lao động trong độ tuổi lao động phải có việc làm thường xuyên, nhưng chúng ta không tính đến thu nhập".

 

Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện chương trình nông thôn mới, đến năm 2015, số xã đạt nông thôn mới là 17%. Tuy nhiên, chỉ sau 9 tháng, đến tháng 10/2016, con số tăng lên bất thường là 23%.

 

Giải pháp nào đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới?

 

Giải pháp đầu tiên là phân loại tiêu chí xây dựng nông thôn mới thành “tiêu chí cứng” và “tiêu chí mềm”. Tiêu chí cứng thống nhất trong cả nước, gồm: xây dựng kết cấu hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, môi trường, quốc phòng, an ninh và y tế, giáo dục. Trong tiêu chí cứng có tiêu chí mềm, ví dụ: xã gần thành phố hay phường thì không nhất thiết phải xây dựng trạm y tế. Tiêu chí mềm thì tùy theo các điều kiện hoàn cảnh có thể điều chỉnh cho phù hợp và phát huy được tính chủ động, sáng tạo của địa phương.

 

Chợ vùng cao 

 

Đại biểu Vũ Xuân Hùng, đoàn ĐBQH Thanh Hóa, cho rằng không nên quy định một khuôn mẫu chung cho tất cả các vùng, miền:

 

"Người dân vùng núi cao không thể làm hết đường bê tông tất cả các bản làng vì địa hình phức tạp và hết sức khó khăn; hay một làng quê có mái đình đẹp, có nhà văn hóa đặc trưng truyền thống bao năm, chỉ cần tu sửa mà không thể phá bỏ để xây dựng nhà văn hóa cho đủ tiêu chí từ 300-500 m2, trong khi nhu cầu sử dụng của người dân chưa cao, chi phí xây dựng lại lớn là chưa cần thiết. Còn các tiêu chí mềm như nhà văn hóa, chợ nông thôn v.v... nên linh hoạt để phù hợp với đặc điểm, phong tục, tập quán, nếp sống và giữ được bản sắc của nông thôn Việt Nam".

 

Trước sức ép hoàn thành các tiêu chí, nhiều địa phương đã tự xoay sở huy động nguồn lực, trong đó huy động vốn quá sức dân, dẫn đến mất khả năng thanh toán các khoản nợ. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng: Chính phủ cần có tiêu chí cụ thể để các xã đã đạt chuẩn phải ổn định và phát huy tiềm năng, lợi thế của xã nông thôn mới; tránh trường hợp đạt tiêu chí nông thôn mới bằng cách đầu tư quyết liệt, sau đó thì nhà nước phải trả nợ trong điều kiện ngân sách còn rất khó khăn.

 

Theo báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đến hết năm 2015, khu vực miền núi phía Bắc đạt tỷ lệ xây dựng nông thôn mới thấp nhất, 9,5%, tiếp theo là khu vực Tây Nguyên 14%, đồng bằng sông Cửu Long 19%. Vậy, để đạt được mục tiêu của chương trình thì trong 4 năm tới, 3 khu vực trên sẽ phải chạm chỉ tiêu về số xã đạt nông thôn mới tăng gấp 3 lần so với hiện nay.

 

Huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, với diện tích rộng lớn hơn 140 ha, địa hình chia cắt, 5 xã đặc biệt khó khăn. Dù vậy, huyện đã thu hút được rất nhiều nguồn lực trong dân. Năm 2015, Mai Sơn có 1 trong 3 xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bài học mà lãnh đạo địa phương nhận thấy là đầu tư chính sách đúng vào những gì người dân cần, cộng thêm cách làm đúng thì nhất định sẽ thành công.

 

 

Thu Hòa/VOV4

 

Hòa - CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC