Qua 4 năm triển khai, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" đã tri ân 216 thầy, cô giáo tiêu biểu. Đó là các thầy, cô "bám bản" dạy học ở vùng sâu, vùng xa; các thầy cô đang giảng dạy ở các huyện đảo, xã đảo xa xôi; các thầy giáo là những chiến sĩ Biên phòng mang quân hàm xanh "nâng bước em đến trường" và các thầy, cô giáo dạy các em học sinh khuyết tật.
Năm 2019, Chương trình tuyên dương 63 thầy, cô giáo đang dạy cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
(Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Lê Quốc Phong trao biểu trưng và Bằng khen của Trung ương Hội tuyên dương các thầy, cô giáo)
Trong số 63 giáo viên được tuyên dương năm 2019, người trẻ tuổi nhất là cô Mùa Thị A (sinh năm 1993), công tác tại Trường Mầm non Hoa Đào (xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La). Người nhiều tuổi nhất là cô Nguyễn Thị Mai Hương (sinh năm 1965), giáo viên trường Trung học Cơ sở Nguyễn Huệ (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Cô Nguyễn Thị Mai Hương cũng là người có thời gian dạy nhiều nhất (32 năm 2 tháng). Trong số các thầy, cô giáo được tuyên dương năm nay có 23 giáo viên là người các dân tộc thiểu số.
(Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Lê Quốc Phong cho rằng mỗi thầy cô được tuyên dương là những người đã nuôi dưỡng ước mơ, nâng bước con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên chặng đường hiện thực hóa ước mơ - Ảnh: VOV)
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, thực hiện lời dạy của Bác Hồ về chăm lo cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, những năm qua, nhiều thế hệ thầy giáo, cô giáo từ miền xuôi đã đến với vùng miền núi, dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn để dạy chữ cho các em với tấm lòng yêu thương học trò, yêu nghề, sống nhân ái, nghĩa tình. Dù khó khăn, gian khổ, các thầy, cô giáo luôn phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ, là những người không chỉ mang chữ, kiến thức văn hóa đến vùng miền núi, mà còn góp phần thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, luôn là tấm gương sáng cho học trò noi theo.
Dưới sự dạy dỗ, dìu dắt của các thầy, cô, nhiều thế hệ học sinh là người các dân tộc thiểu số đã trở thành những cán bộ, đảng viên, có người ltrở thành những thầy giáo, thầy thuốc, chiến sĩ, sĩ quan quân đội, công an… và trở về phục vụ đồng bào, góp phần xây dựng quê hương vững mạnh.
(Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu trong Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2019 - Ảnh: VOV)
Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô hàng năm góp phần tích cực tuyên truyền Nghị quyết của Quốc hội về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, chăm lo cho giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số, là một trong những nội dung quan trọng. Nỗ lực của các thầy, cô giáo có ý nghĩa không chỉ đối với học sinh dân tộc thiểu số mà còn đóng góp cho tương lai các dân tộc và sự phát triển bình đẳng, bền vững của các dân tộc trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Trước đó, các thầy cô giáo được tuyên dương trong chương trình đã gặp Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đại diện các thầy cô đã chia sẻ về những khó khăn, vất vả trong quá trình công tác tại vùng khó; đề xuất với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo một số kiến nghị nhằm giảm tải áp lực cho giáo viên trong các cuộc thi sáng kiến sáng tạo, giáo viên dạy giỏi; có cơ chế luân chuyển cán bộ công tác tại vùng đặc biệt khó khăn; có chính sách đảm bảo chế độ cho giáo viên vùng cao./.
Thu Hòa VOV4
Viết bình luận