Yêu thương lan tỏa - “vaccine tinh thần” giúp người dân thế giới vượt qua đại dịch
Thứ hai, 15:19, 09/08/2021 HH bt bài TTT HH bt bài TTT
VOV4.VN - Phong tỏa, giãn cách hay cách ly dường như đã trở nên quá quen thuộc với người dân thế giới kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện hơn 1 năm qua. COVID-19 đã tạo ra một vách kính vô hình ngăn cách mỗi người, song lại cho chúng ta thấy trân quý những điều tưởng chừng đơn giản, là được xích lại đủ gần, để sẻ chia và an ủi, tạo ra nguồn sức mạnh quý giá giúp con người vượt qua khủng hoảng.

Trong bóng chiều tà của thị trấn Bamberg thuộc bang Bavaria của Đức, bài hát Bella Ciao dân gian của Italia vang lên rộn ràng. Nhiều người dân thị trấn cầm đàn và các nhạc cụ ra ban công để cùng hòa vào tiếng hát. Đối với họ, đây là khoảng thời gian gắn kết, thư giãn trong thời gian bị cách ly, đồng thời là sự khích lệ, tinh thần đối với người bạn láng giềng Italia đang gồng mình chống dịch.  


Những chiếc ôm ấm áp mùa dịch. Nguồn ảnh: ngaynay.vn

“Tôi nghĩ trong tình hình khó khăn hiện nay mọi người nên đóng góp những gì có thể. Với cá nhân tôi là một nhạc sĩ và ca sĩ, tôi muốn hát những bài hát từ ban công của mình để giúp mọi người gần nhau hơn, với hi vọng sẽ khích lệ động viên tinh thần mọi người”. - Nhạc sĩ Đức Bettina Wagner cho biết.
Không bằng lời ca tiếng hát, người dân Mỹ lại chia sẻ cho nhau những gì thiết thực nhất trong bối cảnh khó khăn của đại dịch. Những ATM rau củ, rổ thực phẩm phân phát cho người khó khăn, hay đơn thuần là gói rau, túi cà chua với dòng chữ gửi tặng nhau treo cửa nhà mỗi ngày là cách người dân Mỹ chia sẻ và động viên nhau vượt qua những ngày giãn cách. 
“Khu vườn của chúng tôi không chỉ cho gia đình mà còn cho những người hàng xóm. Chúng tôi thường để các loại rau trước cửa nhà không ăn hết để những người hàng xóm nếu cần họ có thể lấy ăn” - Cô Melanie Pittman sinh sống tại Crete, Illinois chia sẻ.
Nỗi lo nhiễm virus SARS CoV-2 cũng khiến con người trở nên “sợ chạm vào nhau” hơn. Những điều vốn rất quen thuộc và trở thành những thói quen hàng ngày như bắt tay, ôm hôn đã bị cấm vào đúng thời điểm chúng ta cần nhất, tạo ra những xáo trộn tâm lý và không ít người bị rơi vào trạng thái trầm cảm.

Giúp vực dậy tinh thần cho những học trò khi lớp học phải đóng cửa dài ngày, một giáo viên Braxin đã mặc áo bảo hộ kín mít đến từng nhà các em học sinh trao quà và những cái ôm ấm áp sau những ngày xa cách. 
“Đó là tình yêu thương từ tận đáy lòng. Đó là nỗi nhớ từ trái tim. Tôi cần nhìn thấy hạnh phúc trong mắt những đứa trẻ. Chúng đã nói với tôi rằng hãy tới nhà và trao nhữngcái ôm thật ấm áp”. Cô Silava nói.
Có thể nói COVID-19 đã làm thay đổi thế giới và con người đang phải cố gắng thích nghi để tồn tại. Chúng ta phải thích nghi với thực tế mới đó là biến phòng khách thành văn phòng và phòng ngủ thành phòng học, hay thậm chí không phân biệt được hôm nay là thứ 2 hay thứ 3.

COVID cũng khiến con người ít quan tâm đến hình dáng bề ngoài hơn, và có chăng cũng chỉ chăm chút cho phần từ thắt lưng trở lên, vì tất cả những gì cần là chỉn chu trước khuôn hình trong cuộc họp trực tuyến. Tuy nhiên cũng có những mặt tích cực khi sự giãn cách xã hội đã tạo ra một sự gần gũi mới. Sẽ không còn những lần la cà quán xá sau giờ làm, thay vào đó chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, dành thời gian kết nối lại với những người bạn đã từ lâu không gặp, quay lại những thú vui tưởng chừng xa xỉ trong xã hội hiện đại như đọc sách, trồng cây…
Thế giới vẫn đang chiến đấu không ngừng nghỉ với một đại dịch nguy hiểm chưa từng có. Và những lời hát cất lên từ ban công của các hộ gia đình tìm cách giao lưu từ xa trong thời gian giãn cách xã hội, những lớp học trực tuyến, những ngày “đi chợ” trên điện thoại và những buổi họp gia đình “qua màn ảnh nhỏ” là cách con người đang cố gắng thích nghi, động viên và khích lệ lẫn nhau để vượt qua cơn bão của dịch bệnh.

Phạm Hà/VOV1

 
HH bt bài TTT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC