Cân nhắc phân cấp cho địa phương trong thực hiện CT MTQG
Thứ sáu, 10:19, 11/08/2023 Hoàng Minh/VOV4 Hoàng Minh/VOV4
VOV4.VOV.VN - Quá trình thực hiện các nội dung thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang gặp không ít vướng mắc. Nguồn lực đầu tư chưa thể giải ngân. Đồng bào các dân tộc vùng cao còn nhiều khó khăn chậm được thụ hưởng, sẽ là thiệt thòi lớn. Thực tế đang đòi hỏi một cơ chế tự chủ, phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, để nguồn lực được sử dụng một cách linh hoạt, minh bạch và hiệu quả hơn.

  Trăm có khó phát sinh từ thực tế

Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một chương trình mới, với nhiều nội dung, dự án thành phần, bao phủ tương đối toàn diện các mặt của đời sống xã hội. Việc triển khai chương trình gặp không ít khó khăn, do đối tượng, phạm vi thực hiện rộng. Nội dung đầu tư hỗ trợ đa dạng và bằng nhiều hình thức khác nhau.

Trong quá trình triển khai, Trung ương yêu cầu các địa phương ban hành rất nhiều quy định để thực hiện trong phạm vi của tỉnh. Song, trên thực tế có nhiều quy định phải chờ đợi Trung ương có văn bản hướng dẫn hoặc phải xin ý kiến của Trung ương trước khi địa phương ban hành. Ông Nguyễn Trung Thảo, phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết:"Có một số dự án, không lường trước hết được khi chúng ta thống kê vào quá trình triển khai. Ví dụ như đối với tiểu dự án về trồng dược liệu, quy trình thủ tục khi Bộ Y tế ban hành Thông tư 10, thì bắt đầu chúng ta mới có cơ sở để triển khai. Lập dự án, khảo sát, đánh giá, như Cao Bằng chúng tôi cũng bắt đầu mới đang triển khai, do vậy vốn này rất khó thực hiện.".

Đối với một số nhóm chỉ tiêu liên quan đến nguồn lực thực hiện từ vốn sự nghiệp, do văn bản hướng dẫn chưa được kịp thời ban hành; chưa đầy đủ về quá trình lập, thẩm định, phân bổ kế hoạch vốn, làm cơ sở xác định đối tượng, phạm vi, quy mô thực hiện; chưa tạo điều kiện phân cấp, hoặc không đảm bảo căn cứ pháp lý, dẫn đến khó khăn vướng mắc cho địa phương để tổ chức triển khai thực hiện một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình. Theo ông Vi Minh Tú, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa: Đây là những nguyên nhân khiến tiến độ triển khai, khối lượng thực hiện và giải ngân vốn còn chậm so với dự kiến kế hoạch.

   " Năm nay Thanh Hóa còn 68 tỷ 880 triệu hiện chưa phân bổ vốn được, nằm trong 2 dự án. Một là dự án một là sắp xếp, hỗ trợ đất ở nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào là Thanh Hóa chưa ban hành định mức. Cho nên chưa có cơ sở để rà soát, phân bổ vốn. Thứ hai là dự án thứ hai là dự án sắp xếp ổn định dân cư nó liên quan đến nhiều vấn đề quy hoạch chung của xã cũng như là phê duyệt quy hoạch sử dụng đất. Cho nên nguồn vốn đầu tư của năm 2023 chưa phân bổ hết." - Ông Vi Minh Tú cho biết.

Quyết định 1719, phê duyệt Chương trình do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành từ cuối năm 2021, song phải đến giữa năm ngoái, kế hoạch giao vốn trung ương mới được phê duyệt. Tại địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh mục dự án đầu tư thực hiện các chương trình MTQG. Quy trình thủ tục rườm rà, dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và giảm sự linh hoạt trong triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, nguồn vốn giao cho địa phương thực hiện được phân bổ đến từng dự án. Do vậy, các địa phương không chủ động trong công tác ưu tiên nguồn vốn, nguồn lực cho các dự án có nhu cầu ưu tiên, bổ sung vốn thực hiện và không thể chủ động thực hiện việc điều chỉnh nguồn vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân vốn sang các dự án có thể triển khai dễ dàng hơn.

 Gỡ nút thắt bằng việc sớm hoàn thành các văn bản hướng dẫn và phân cấp mạnh cho địa phương 

Năm 2024 tới là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch năm giai đoạn 2021-2025, trước những khó khăn, vướng mắc, các mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra cần phải mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp, các địa phương. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG, thời gian qua, Ủy Ban Dân Tộc đã tổ chức các Hội nghị sơ kết vùng, để tổng hợp ý kiến các địa phương, làm cơ sở cho việc tham mưu điều chỉnh nội dung, nguồn lực, địa bàn và xác định các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đảm bảo hoàn thành tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu toàn quốc của Chương trình đã được phê duyệt. 

Do trong thực tế triển khai chương trình MTQG hiện nay, nhiều nội dung,nên các địa phương vẫn phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương dẫn đến rườm rà thủ tục, kéo dài thời gian chuẩn bị, hiệu quả không cao... Để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong phát triển kinh tế xã hội, cũng như hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Chương trình đã đề ra, trước hết là phải hoàn thiện các văn bản hướng dẫn; đảm bảo đầy đủ, cụ thể và kịp thời.

Theo ông Vi Minh Tú, Trưởng ban dân tộc tỉnh Lạng Sơn, cơ chế thực hiện chương trình phải có tính đặc thù, đơn giản, tăng tính chủ động và sự chịu trách nhiệm cho cơ sở, trong đó có trách nhiệm giám sát, tham gia của người thụ hưởng. Cụ thể, cần có cơ chết phân cấp hoàn toàn cho địa phương, chịu trách nhiệm cao nhất về hiệu quả chương trình.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá và nhận định trước Quốc hội rằng: Nội dung nào địa phương chủ trì quyết định, thì vốn giải ngân đạt trên 90 %. Nội dung nào phụ thuộc nhiều vào trung ương, thì khó thực hiện và giải ngân thấp. Trong phiên bế mạc chất vấn đối với Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã kết luận rằng: cần phải thí điểm tại địa phương về việc lồng ghép, phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để sớm tháo gỡ vấn đề này.

Hoàng Minh/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC