Thời gian gần đây, có nhiều câu chuyện điển hình về hành trình chinh phục ước mơ và khát vọng của những phụ nữ dân tộc thiểu số. Họ đã nỗ lực không ngừng để khẳng định giá trị của mình, lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Sùng Y Múa ở xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình là tấm gương điển hình của phụ nữ Mông vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Múa cũng là một trong những phụ nữ người Mông đầu tiên ở đây dám rời bản về trường nội trú huyện học cái chữ. Bằng sự nhạy bén của mình, Y Múa nhận thấy Hang Kia là xã vùng cao lại nằm cạnh cao nguyên Mộc Châu, khí hậu quanh năm ôn hòa và mát mẻ, khung cảnh thơ mộng nên du khách gần xa đổ dồn về đây du lịch ngày càng nhiều, nhu cầu lưu trú cao. Thế là Y Múa quyết định dựng homestay đón khách, để có thể giao lưu học hỏi, lại có thêm thu nhập, tạo việc làm cho bà con.
Triển khai dự án 8, việc phát huy vai trò của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực, trình độ cho phụ nữ thông qua các chương trình đào tạo, hướng dẫn kỹ năng và cả ứng dụng công nghệ để sản xuất và tiếp cận thị trường.
Tại huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai), những phụ nữ Mông, người Pa Dí vốn nhút nhát, khép kín trước kia, giờ đã mạnh dạn, tự tin để giao lưu trực tuyến với khách hàng qua mạng xã hội. Mỗi buổi livestream bán hàng mang đến cho chị em nhiều niềm vui, không chỉ là niềm vui khi nông sản được nhiều khách hàng biết đến. Chị Lù Thị Sủi, ở thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương tâm sự, bán hàng như thế này được giao tiếp với nhiều người thấy tự tin hơn và thấy rất vui. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, mỗi ngày, chị Sủi cùng chị em trong thôn dành nhiều thời gian trên vườn quýt, vừa hái quả, vừa thuyết minh để giới thiệu sản phẩm.
Nạn tảo hôn, đã có lúc, là câu chuyện nhức nhối ở vùng miền núi phía Bắc, nơi tập trung nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống. Ở đó, những đứa trẻ cứ vào độ 14-15 tuổi đã đi lấy chồng, rồi gánh vác trọng trách làm vợ và thiên chức làm mẹ, nhưng nay, mọi chuyện đã khác. Vấn nạn tảo hôn đã giảm hơn rất nhiều kể từ khi có những chương trình, dự án tuyên truyền, vận động được triển khai giúp cho thanh niên dân tộc thiểu số hiểu được nguy cơ và ảnh hưởng của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.
Khát vọng phát triển cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số là một trong những sự kiện khởi đầu cho việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương, Hội phụ nữ các cấp cùng nhiều chương trình hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nhiều chị em dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đã tỏ rõ bản lĩnh, sự tự tin, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời, khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xã hội./.
Viết bình luận