Loạt bài: Cần có cơ chế đồng bộ cho các dự án ổn định cư dân biên giới - Bài 1
Thứ sáu, 08:46, 02/08/2024 Tiến Cường- Công Luận- Tuấn Anh/VOV Đông Bắc Tiến Cường- Công Luận- Tuấn Anh/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN: Trong giai đoạn 2010 – 2020, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng 11 dự án ổn định dân cư ở khu vực biên giới. Đến nay, một số dự án đã bàn giao, đưa vào sử dụng nhưng còn thiếu đồng bộ chưa thể ổn định cuộc sống cho người dân; một số dự án dừng đầu tư, có nguy cơ “phá sản” do người dân không vào ở. Làm sao để chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước phát huy hiệu quả, người dân ổn định cuộc sống, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng đời sống của đồng bào vốn còn gặp nhiều khó khăn đang là thách thức của nhiều địa phương.

Năm 2013, dự án bố trí ổn định dân cư biên giới Nà Thúng, xã Cô Ngân, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng hoàn thành, hỗ trợ cho 10 hộ dân có nơi ở mới. Việc di chuyển tới điểm dân cư này thuận tiện khi 5km đường tới trung tâm thôn đã được bê tông hoá. Điện lưới quốc gia cũng được kéo tới Nà Thúng. Trung bình mỗi hộ có khoảng 1ha đất để cấy lúa, trồng ngô, phát triển kinh tế nông nghiệp. Ông Đàm Văn Báo, người dân tới Nà Thúng định cư yên tâm bám trụ bản làng khi nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự giúp sức của bộ đội Biên phòng. Người dân ở Nà Thúng đã mạnh dạn đưa các mô hình kinh tế như trồng cam, quýt, mác ca kết hợp với chăn nuôi lợn, gà, trâu bò. Hiện Nà Thúng chỉ còn 2 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. 

Ông Báo phấn khởi nói: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm, lại có tổ công tác biên phòng bám giữ tại đây cùng bà con phối kết hợp với nhau, động viên để bà con nhân dân yên lòng, yên tâm phát triển kinh tế, yên tâm bám giữ quê cha đất tổ. Từ năm 2013 đến giời đời sống bà con ngày càng đổi thay, tôi xin thay mặt bà con nhân dân xóm cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm”

Nà Thúng là một trong số 11 dự án được tỉnh Cao Bằng triển khai trong giai đoạn 2010-2020. Bước đầu của thành công đã cho thấy giá trị của những dự án bố trí ổn định dân cư biên giới. Vậy nhưng, đến thời điểm này, Nà Thúng gần như là dự án duy nhất mang lại hiệu quả rõ rệt tại tỉnh biên giới này, trong khi các dự án còn lại hầu như đang rơi vào cảnh dở dang, xuống cấp thậm chí là lãng phí nguồn lực đầu tư…

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khiêm, Cán bộ Đồn Biên phòng Ngọc Chung, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng nói: “Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ các vị trí xóm trắng để làm nhà cho bà con, nhưng phát triển kinh tế xã hội ở đây rất khó, đường đi lại rất khó khăn…. Dù cán bộ Biên phòng đã tuyên truyền, giải thích cho bà con là vào đây phối hợp cùng bộ đội Biên phòng giữ đường biên cột mốc và được nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn, họ không phát triển kinh tế xã hội được thì họ phải ra ngoài kiếm chỗ có nhiều ruộng đất hơn để phát triển kinh tế, chỉ có 1-2 hộ ở lại chăn nuôi thường xuyên, còn đa số họ đi lại thôi”.

Những ngôi nhà không bóng người khóa trái cửa đã dần xuống cấp theo thời gian với dây leo phủ lên quá nóc; Những khoảng sân đầy những phân gia súc, ổ voi, vũng lầy nước đọng; Nhiều thửa đất chỉ toàn cỏ dại vì không được trồng ngô, trồng sắn..…Thậm chí có chiếc công tơ chỉ vỏn vẹn vài chục số điện trong suốt nhiều năm…  Đó là những gì đang hiện hữu ở Dự án bố trí ổn định dân cư biên giới xóm Lũng Choang, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng!

Dù được đầu tư bài bản từ nhà văn hóa kiêm trường học, hệ thống điện, nước nhưng đến nay, dự án này vẫn chỉ có 1 hộ dân chuyển vào sinh sống ổn định. Ông Hoàng Văn Hún (61 tuổi), hộ dân đang ở tại Lũng Choang nói rằng, nhà đông con, thiếu đất canh tác, từ nơi ở cách trường học, UBND xã chừng 7km, đường đi lại lởm chởm đá sỏi rất vất vả, khó khăn. Bọn trẻ không thể chuyển vào xóm mới nên đôi vợ chồng già quyết định vào Lũng Choang “lập nghiệp”. Ông Hún cũng cho biết: “Việc đi lại thì khó rồi, lâu lâu 5 ngày, 3 ngày lại đi ra ngoài, có khi ngày nào cũng đi, lắm hôm hết thực phẩm thì phải đi mua vào,  mua thực phẩm 1 ngày ăn 5 ngày, rau xanh tự kiếm thôi. Ở đây có được con đường bê tông vào thì tốt biết mấy .”

Dự án bố trí ổn định cư dân biên giới Lũng Choang được hoàn thành năm 2016 với số vốn đầu tư gần 12 tỉ đồng, quy mô cho 11 hộ dân. Người dân được cấp 400m2 đất ở và hơn 3.000m2 đất canh tác/hộ gia đình; Ngoài ra, mỗi gia đình sẽ được hỗ trợ khoản kinh phí 50 triệu đồng để xây nhà. Dự án đảm bảo cho người dân có hệ thống điện lưới quốc gia, có bể chứa nước sinh hoạt…Thế nhưng, người dân sau khi nhận đất, làm nhà hầu hết đều không đến ở. Và sau gần 10 năm, Lũng Choang rơi vào tình trạng “vườn không, nhà trống”.

Chị Nông Thị Nguyệt một người dân Lũng Choang cho biết, gia đình chị không thể an tâm định cư bởi mỗi hộ chỉ có khoảng 3.000m2 đất dạng soi bãi, không đủ nước để làm ruộng, nhưng hễ mưa lớn lại ngập úng. Người dân cũng chỉ biết trồng đỗ, ngô hoặc cây thuốc lá, nên có được mùa cũng rất khó trang trải cho một gia đình phải nuôi con ăn học. Hơn nữa, quãng đường quá xa cũng không thể đảm bảo việc học hành của trẻ nhỏ. Chị Nguyệt chia sẻ: “Cứ đi đi về về cực kỳ tốn xăng luôn, xe đổ đầy xăng đi dược có 3 lần thôi. Rất tốn kém nhưng Nhà nước đã cho vào đây ở rồi mà thỉnh thoảng không vào thì cũng phụ công Nhà nước, Nhà nước đã giúp mình rồi, mình cũng biết thế nhưng mà đi lại khó quá.”.

Năm 2012, dự án bố trí ổn định dân cư biên giới Lũng Xuân, xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng cũng được triển khai với tổng kinh phí hơn 8 tỉ đồng, dự kiến bố trí cho 10 hộ gia đình. Tuy nhiên, hiện cũng chỉ có 4 hộ thường xuyên sinh sống. Còn dự án ở Khuổi Luông, thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, được phê duyệt và triển khai từ 2008 nhưng đến năm 2018 mới hoàn thiện và bàn giao lại cho địa phương quản lý và hiện người dân cũng mới đến nhận đất, làm nhà.

Đáng tiếc nhất, có lẽ là dự án ở Phia Siển, xã Cần Yên, huyện Hà Quảng. Dù đã bỏ ra số tiền hơn 7 tỷ đồng để xây dựng một số hạng mục như mở đường, xây bể nước, san nền nhà, xây dựng nhà văn hóa, bố trí đất sản xuất… nhưng từ 2018 dự án đã dừng đầu tư do điểm dân cư này ở trên đồi cao, xa trung tâm xã, thiếu đất canh tác và thường xuyên sạt lở đường mỗi khi mùa mưa đến…

Đó là một vài trong số nhiều dự án bố trí, ổn định cư dân biên giới được Cao Bằng thực hiện thời gian qua. Điểm chung của các dự án này là hầu như chỉ có vài hộ dân đến sinh sống; hạng mục nhiều công trình cơ bản đã xuống cấp, hư hỏng, thậm chí ở một số dự án những ngôi nhà đã trở thành điểm nuôi, nhốt gia súc của người dân. Anh Nông Văn Kỳ, người dân ở xóm Lũng Xuân bày tỏ:“Vào đây nhiều vấn đề kinh tế cũng còn một số thiếu thốn, Nhà nước có hỗ trợ một phần nhưng chỉ là một phần thôi, vào đây đường xá đi lại khá khó, nuôi được con trâu bò cũng khó bán do xa chợ. Trong này có phân trường lớp học từ 3 tuổi đến lớp 2 thôi, từ lớp 3 phải đi trường chính khoảng 13-14km, đi lại khó khăn nhất là về mùa mưa và mùa đông".

Trong giai đoạn 2010-2020, Cao Bằng đã chi hơn 100 tỉ đồng để triển khai các dự án bố trí, ổn định dân cư biên giới. Tuy nhiên, chỉ có 32 hộ dân được bố trí đến định cư tại 3 dự án tập trung. Nhưng thiếu đất canh tác, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, không có trường học hoặc giao thông không thuận tiện…nên chỉ có khoảng 20 hộ bám trụ nơi ở mới. Theo đánh giá của tỉnh Cao Bằng, các dự án được bố trí nguồn vốn chậm, không đồng bộ, tập trung chủ yếu cho hạ tầng mà chưa quan tâm đúng mức đến sinh kế, phương án sản xuất hay tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân. Việc có dự án đầu tư dàn trải, kéo dài từ 10-12 năm mới hoàn thành khiến người dân đã đăng ký tới ở không mấy mặn mà do phải chờ đợi quá lâu...

Ông Nông Thanh Mẫn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Cao Bằng cho rằng: “Ở vùng cao, biên giới, đất đồi núi là chính, quỹ đất sản xuất nông nghiệp rất hạn hẹp, ở đây thiếu đất cấy lúa là chính, còn đất nương rẫy cơ bản đáp ứng được. Tuy nhiên, khi đưa các hộ dân đã quen cấy lúa trở về nơi ở cũ, chỉ có làm nương rẫy thì họ đã không còn quen phương thức canh tác cũ ấy nữa, họ quen cấy lúa rồi”.

Nguồn lực đầu tư vào các dự án này không nhỏ, nhưng hầu hết không mang lại hiệu quả. Số lượng người dân được thụ hưởng không lớn, trong khi các hộ dân vẫn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, các khu dân cư tập trung được cấp 400m2 đất ở/hộ dân, xây dựng sát nhau…Đây được xem là chưa phù hợp với lối sống, tập quán canh tác của đồng bào vùng cao. Bên cạnh đó, mỗi dự án thường chỉ có khoảng 10-20 hộ gia đình, chưa đủ thiết chế để lập một thôn, xóm mới nên người dân buộc phải sinh hoạt ghép với các thôn cũ, có khi cách xa 5-7km.

Ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng thừa nhận: “Các dự án ổn định dân cư biên giới Cao Bằng cũng có những dự khi rà soát, điều tra vị trí chưa được kỹ, nên khi triển khai đưa vào sử dụng đã có những vướng mắc, bất cập. Rồi hạ tầng giao thông và đất sản xuất chưa đáp ứng được cuộc sống của bà con nhân dân ở nơi ở mới nên còn một số vướng mắc ”.

Chủ trương ổn định đời sống cư dân biên giới là một chính sách lâu dài, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới. Do đó, việc làm sao để các dự án đã triển khai cũng như các dự án trong các giai đoạn tiếp theo phát huy được hiệu quả sẽ là bài toán đặt ra với các địa phương. Có thể thấy dù đã được đầu tư nguồn lực không nhỏ, nhưng nhiều Dự án bố trí, ổn định dân cư biên giới tại Cao Bằng đã chưa thể mang lại hiệu quả như mong muốn. Vậy giải pháp nào để những bản di dân tái định cư có thể thực sự mang lại sự đổi thay những nơi biên cương, địa đầu Tổ quốc, mời quý vị cùng đón đọc phần tiếp theo của loạt bài bài “Cần có cơ chế đồng bộ cho các dự án ổn định cư dân biên giới”./.

 

Tiến Cường- Công Luận- Tuấn Anh/VOV Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC