Kinh nghiệm dựng nhà của người M'nông
Chủ nhật, 21:39, 11/06/2023 Thu Cúc/VOV4 Thu Cúc/VOV4
VOV4.VOV.VN - Sống nhờ rừng, dựa vào rừng người M’nông hình thành nên nhiều kinh nghiệm quý trong quá trình ăn ở, sinh hoạt đời thường.

 

Sáng tạo của người M’nông

Người M’nông bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông sinh sống trong những ngôi nhà dài. Ngôi nhà ấy chở che bao thế hệ của một tộc họ theo thiết chế mẫu hệ. Cùng ăn, cùng ở, cùng sẻ chia những buồn vui.

Xưa kia, sống trong những khu rừng âm u, thú dữ nhiều, ngôi nhà dài giúp cho các thành viên xích lại bên nhau, cùng nhau xua đuổi thú hoang về làng phá hoại. Những hàng rào dựng xung quanh khuôn viên nhà dài một phần để đánh dấu chủ quyền, một phần cản trở sự xâm nhập của thú, của kẻ thù.

Anh Y Lanh, người M’nông ở bon Pi Nao cho hay: “Tại vì hồi xưa thú dữ, hổ, heo rừng, voi rừng nhiều, có thể tấn công. Khi những con thú đó vô là cả nhà đông người mình cùng nhau hô hào là mấy con đó nó sợ. Hay làng này, làng kia có sự mâu thuẫn người ta vô đánh là người nhà mình tập trung chống lại. Như ông già làng cứng, biết chu đáo thì làng đó sẽ bền vững, làng đó phát triển”.

Nếu như người Ba Na, người Jrai hay người Cơ tu có riêng một ngôi nhà cộng đồng để các thành viên trong làng cùng sinh hoạt, người M’nông ở bon Pi Nao chỉ có nhà dài. Mỗi nhà dài là một làng. Có già làng cùng chung sống trong ngôi nhà đó, quản lý các hộ gia đình.

Những ngôi nhà ở bon Pi Nao lợp cỏ tranh sát đất. Vòm mái nhà khum khum trên đầu. Cửa chính đi vào rất nhỏ, cửa phụ ở đầu hồi nhà phía sau lại có mái vòm chìa ra. Mái tranh ôm trọn ngôi nhà, gió rừng không thể len lỏi vào bên trong, giữ ấm cho toàn thể gia đình trong những ngày gió rét. Đó cũng chính là lý do mà ngôi nhà dài của bon Pi Nao lại rất khác với nhiều nơi.

Nhìn trăng lấy cây làm nhà

Trải qua nhiều thế hệ, người người M’nông đã sáng tạo được một nơi ở khắc chế được thiên nhiên khắc nghiệt của vùng này. Và để làm được ngôi nhà dài ấy, cũng phải có bí quyết.

Anh Y Lanh bật mí: "Lấy gỗ làm nhà cũng rất là quan trọng. Mình không lấy cây tự ngã chết. Chết đứng không lấy. Cây gẫy đọt không lấy. Cây nó nghiêng không lấy mà lấy cây thẳng đứng là cây đấy còn chắc, còn cứng. Vì cái nhà cũng thể hiện cho nếp sống an lành, tốt đẹp. Cây có thẳng, cây cứng mới phát triển được”. 

Còn ông Điểu Sơn ở xã Quảng Tiến, huyện Đắk R’lấp bảo, phải nhìn trăng chọn cây làm nhà. “Đêm trăng tròn mình chặt được, trăng khuyết chặt cây sẽ mối mọt, làm nhà không được. Chặt không đúng mùa nhà chỉ làm 2 – 3 năm mình phải làm tiếp. Còn không mình ở được 10 – 20 năm”.

Theo anh Y Nhép, người thạo nghề lợp lợp tranh, làm nhà của bon Pi Nao, nếu biết tìm lá cọ, lá tranh, có kỹ thuật lợp khéo ngôi nhà ấy sẽ giữ được lâu dài. Cắt tranh xong để tầm khoảng 2 – 3 ngày rũ sạch. Sau đó đem bó mang về. Cây lồ ô chẻ đôi, đem ngâm nước tránh mối mọt, sau đó mang tranh vào đan. Và cuối cùng lấy lợp mái.

“Trước khi mình chặt cây của mình, nhà mình mấy mét là mình chặt cây lồ ô của mình mình đan là mình phải đo đúng cái đó. Sau đó mình mới lợp. Lợp bền trên cả 10 năm, có khi cây cỏ mọc xanh trên đó”. – Anh Y Nhép cho biết.

Mái tranh trải qua bao nắng mưa, ngày ngày nhận thêm từng lớp khói than bám vào lại càng bền. Lớp lớp cháu con dưới mái nhà dài ấy tiếp nối nề nếp cha ông, giữ hồn dân tộc.

Rừng ông bà

Khi ngôi nhà hoàn tất, gia đình sẽ chia sẻ niềm vui đến tất cả các làng. Cũng như cảm tạ thần linh đã bảo hộ để công việc làm nhà suôn sẻ.

Người M’nông có tín ngưỡng đa thần, họ tin mỗi cỏ cây, vạn vật đều có linh hồn và sông, núi, trời, đất này đều có thần ngự trị, cai quản, bảo trợ cho cuộc sống ấm no. Đặc biệt, linh thiêng nhất đó là thần rừng.

Anh Y Lanh cho hay, mỗi làng người M’nông có một khu rừng thiêng. Trong khu rừng thiêng đó họ thờ thần rừng. Bất kỳ ai cũng không được xâm phạm từ lấy cây, bắt chim, săn thú… “ Vì rừng đó có thần. Mình phải tôn trọng thần linh, để thần rừng đó phù hộ lại con cháu trong làng, trong xóm, ăn nên làm ra. Người M’nông sông chủ yếu nhờ rừng mà”.

Chính vai trò của rừng như vậy, trong năm người M’nông có nhiều nghi lễ liên quan đến rừng. Ngoài cúng lễ lên nhà mới, khi tìm được một khu đất để làm rẫy họ cũng phải làm lễ cúng xin phép thần rừng.

Tại khu đất chọn làm rẫy, họ đặt 7 hạt gạo và úp lá cây lên trên. 7 ngày sau ông già làng đến mở lá ra xem. Nếu hạt gạo còn nguyên số lượng, không vỡ, họ cho rằng thần rừng đã đồng ý cho làng làm rẫy nơi này. Ngược lại, nếu thiếu đi một hạt hoặc hạt gạo không nguyên vẹn điều đó có nghĩa thần không chấp thuận, họ phải tìm nơi mới làm rẫy.

“Đây cũng là một hình thức để coi côn trùng, mối mọt có phá hay không. Tại vì mình trồng lúa hồi xưa là mình phải trỉa, chọc lỗ ở dưới đất đó. Nếu con mối nó ăn, con kiến nó ăn là sau này mình trồng cây lúa của mình nó sẽ ăn hết. Còn về tâm linh làm cái gì nó phải trọn vẹn. Không bị hư hại này kia nó mới tốt đẹp được”. Anh Y Lanh lý giải.

Mùa lúa chín, sau khi thu hoạch, dịp tháng 2, người M’nông sẽ làm lễ cúng thần rừng, cảm tạ cho một năm làm ăn thuận lợi. Dịp này, bà con sẽ kết hợp cúng lúa mới.

Những sản vật thơm ngon của một mùa trồng cấy sẽ được dâng lên các thần, biểu thị cho tấm lòng thành của người M’nông.

Rừng chính là báu vật của người M’nông. Mất rừng chính là mất cội nguồn, văn hóa. Bởi vậy, bao đời người M’nông vẫn giữ gìn vốn quý ấy của tổ tiên, của ông bà trao lại.

Thu Cúc/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC