Để đảm bảo chương trình học tập cho hơn 230 học sinh đồng bào dân tộc Mảng, Hà Nhì, Mông, Dao trên địa bàn, những ngày đầu năm học này, 10 giáo viên của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã phải “gồng gánh” lịch dạy cho nhau để đảm bảo chương trình.
Không có giáo viên tiếng Anh, ngoài nhiệm vụ quản lý chung, thầy giáo Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng nhà trường đã trực tiếp đứng lớp 16 tiết/tuần. Dù mới được tăng cường giáo viên từ trường ở xã bên cách hơn 30km, nhưng thầy cô trong Ban giám hiệu vẫn phải tăng giờ, tăng tiết để đảm bảo việc dạy và học.
Đầu năm học, nhà trường thiếu 2 giáo viên Tiếng Anh và Ngữ văn. Các thầy cô đã phải dạy tăng giờ liên cấp, liên trường để đảm bảo chất lượng dạy và học. Vậy mà thỉnh thoảng, trường lại có thầy, cô xin chuyển. Trong 2 năm qua, tổng cộng đã có 3 giáo viên xin chuyển ngành và chuyển vùng.
Thầy giáo Nguyễn Văn Minh chia sẻ, khi có giáo viên tăng cường, hiện tại nhà trường cũng đã bố trí cho giáo viên đó dạy các khối lớp 8 và lớp 9. Nhà trường cũng xin phép Phòng Giáo dục để bố trí để dồn lớp lại. Bởi vì các giáo viên đi tăng cường không phải dạy ở 1 trường; ví dụ như môn Tin học, Ngoại ngữ, các giáo viên phải dạy cả khối lớp 3 ở trường Tiểu học.
Tại huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới Mường Tè, việc giữ chân giáo viên gặp không ít khó khăn. Trong 5 năm qua, địa phương đã có gần 140 giáo viên chuyển vùng; trong đó có 20 giáo viên xin thôi việc với nhiều lý do. Riêng năm học 2022 - 2023 này, huyện có tới 30 giáo viên xin chuyển vùng và xin thôi việc. Dù địa phương đã cố gắng tuyển dụng, nhưng đầu năm học này cũng mới chỉ tuyển được 38 giáo viên.
Sau tuyển dụng bổ sung, toàn huyện vẫn còn thiếu hơn 100 giáo viên so với biên chế giao và thiếu hơn 160 giáo viên so với định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết, Hiện nay huyện thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non và giáo viên THCS. Giáo viên Tiểu học thiếu hơn 10 người, nhưng lại rơi vào môn chuyên ngành như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc. Trước mắt Phòng đã điều chuyển, biệt phái một số giáo viên từ những đơn vị trường đủ để bổ sung cho một số đơn vị trường thiếu nhiều giáo viên. Phòng cũng đã phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND huyện tiếp tục ra văn bản thực hiện hợp đồng giáo viên, bổ sung cho những đơn vị thiếu và ưu tiên cho đối tượng là con em người địa phương để sau này các sau thi tuyển và cống hiến lâu dài.
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều giáo viên ở Lai Châu xin thôi việc, hoặc chuyển vùng là vì phần lớn giáo viên ở tỉnh là người dưới xuôi lên công tác, theo diện “kiếm xuất” biên chế; sau khi đủ năm công tác sẽ xin chuyển vùng, với lý do hợp thức hóa gia đình. Một số khác thì sau nhiều năm công tác, cống hiến ở địa bàn vùng khó, cuộc sống kham khổ, dẫn tới sức khỏe yếu, nên xin nghỉ việc hoặc chuyển vùng...
Điều kiện làm việc tại vùng sâu, vùng xa, cuộc sống khó khăn thiếu thốn là lý do nhiều giáo viên xin nghỉ việc, chuyển vùng
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có gần 350 giáo viên xin nghỉ việc và chuyển vùng. Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, đã có hơn 170 giáo viên được nghỉ theo quy định. Các nguyên nhân này dẫn đến năm học 2022-2023, địa phương đang thiếu hơn 1.300 giáo viên; trong khi đó việc tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục khá khó khăn do thiếu nguồn.
Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết: Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh trong việc phân cấp quản lý, sử dụng, tuyển dụng viên chức. Theo đó, các huyện, thành phố hoàn toàn chủ động trong việc tuyển giáo viên. Tiếp tục tạo môi trường làm việc tốt hơn, để giáo viên yên tâm công tác, yên tâm cống hiến; đảm bảo giáo viên có đủ các điều kiện sinh hoạt, giảng dạy. Ngoài ra, Ngành cũng tiếp tục triển khai các chế độ chính sách hiện có; tùy theo điều kiện của từng địa bàn mà có những chính sách phụ hỗ trợ cho giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác.
Theo ông Đinh Trung Tuấn, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở địa phương, đầu năm học này, ngành Giáo dục đã phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo các Phòng Giáo dục và các đơn vị trường trực thuộc tổ chức sáp nhập trường, lớp; đưa học sinh từ các điểm trường bản về trường trung tâm; điều động giáo viên từ nơi đủ đến nơi thiếu nhiều; dạy học trực tuyến... Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp tạm thời; về lâu dài vẫn rất cần có những chính sách đủ hấp dẫn để “giữ chân” và thu hút giáo viên ở Lai Châu./.
Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
Viết bình luận