Hiệu quả từ những lớp bình đẳng giới
Thứ tư, 00:00, 15/03/2017 Việt Phú Biên tập bài Việt Phú Biên tập bài

VOV4.VN - Từ các buổi tập huấn về bình đẳng giới mà nhiều định kiến xưa cũ, lạc hậu dần được xóa bỏ. Nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số đã tìm thấy cho mình niềm vui, niềm hạnh phúc thực sự và được chồng con hỗ trợ rất nhiều trong cuộc sống gia đình.

 

Chị Lương Thị Oanh, xã viên HTX nông ngư Hòa Đê (xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), tâm sự: Khi mới lấy chồng, chị cam chịu bản tính gia trưởng của chồng, lầm lũi quán xuyến công việc gia đình từ lớn tới nhỏ. Từ khi được tham gia các lớp bình đẳng giới do hội phụ nữ ở khu dân cư tổ chức, cách nghĩ trong chị dần thay đổi.

 

Với những người phụ nữ Khmer ở những vùng nuôi tôm như chị Huỳnh Thị Ly, ở xã Hòa Tú 1, thì định kiến giới hay những quan niệm xưa cũ vẫn còn tồn tại. Nhờ vào các lớp tập huấn bình đẳng giới mà giờ đây chị đã được tham gia nhiều hơn vào công việc mà trước kia mặc định chỉ là của đàn ông.

 

Chị Hoàng Thị Chiên viết giấc mơ còn dang dở. Ảnh: Việt Phú

 

Việc tham gia các lớp tập huấn bình đẳng giới, với nhiều chị em người dân tộc thiểu số, là một dịp để mở mang hiểu biết của mình. Thông qua các phương pháp trao đổi trực tiếp bằng ví dụ thực tế, những hình ảnh, những sơ đồ cây thông tin, những tiểu phẩm... nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số đã ngộ ra nhiều điều.

 

Chị Huỳnh Thị Ly, ở Sóc Trăng, cho biết nhiều chị em sau khi học về, thấy bổ ích, họ còn rủ thêm chồng và anh em đến tham gia những lớp học này. Đến các lớp học này, chị biết được thế nào là cây cân bằng giới. Đối với những chị em chưa biết chữ thì lại được học bằng các hình vẽ, nên các chị cũng hiểu và thực hiện tốt.

 

Không chỉ còn quanh quẩn với ruộng vườn, hầu hết chị em người dân tộc thiểu số khi tham gia các lớp tập huấn, nói chuyện về bình đẳng giới, đã dần bỏ đi được những mặc cảm xã hội, vượt qua sự nhút nhát của bản thân. Chẳng những vậy, chị em còn biết tự chăm sóc cho chính bản thân mình.

 

Trường hợp chị Lý Thị Nhung, người Nùng, ở bản La Xa, xã Đông Vương, Yên Thế, Bắc Giang, là một ví dụ. Trước kia, chị không biết trang điểm là gì, ăn mặc tềnh toàng, thậm chí lôi thôi, nhưng giờ đã khác. Chị đã chú ý hơn cách ăn mặc, ra đường thấy tự tin hơn. 

 

Hay chị Hoàng Thị Chiên, người Nùng, ở Yên Thế, Bắc Giang, giờ đã hiểu biết và khi điều kiện kinh tế được nâng lên, chị mong muốn thực hiện ước mơ còn dang dở. Trước kia, ước mơ làm cô giáo, nhưng không thực hiện được, nay chị động viên con gái mình viết tiếp giấc mơ còn dang dở của mình. 

 

 

 

Việt Phú/VOV4

Việt Phú Biên tập bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC