Thôn K’dung, xã H’ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai từng là điểm nóng do đạo Hà Mòn sự xâm nhập, không ít người dân nơi đây lầm đường lạc lối, bỏ bê ruộng vườn, gia đình tan vỡ, trẻ thơ không được đến trường... Nhưng giờ đây, thôn K’dung đã hoàn toàn thay đổi, những con đường bê tông thẳng tắp, những vườn cà phê xanh mướt, và những em thơ cười vang sân trường mỗi giờ ra chơi. Ông Y Thành (67 tuổi), người có uy tín trong cộng đồng, đã dốc tâm sức cùng chính quyền địa phương để đưa người dân trở lại với cuộc sống yên bình.
Chia sẻ về những năm tháng khó khăn ấy, ông Y Thành nói: “Nhiều năm trước, đạo Hà Mòn xâm nhập đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình. Trước tình hình đó, tôi đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân hiểu để bài trừ. Mình nói cái này là lợi dụng bà con, giải thích nhiều lần và chính bà con thấy những lời hứa hẹn là không có thì họ mới tỉnh, bây giờ thì mọi người đều biết và cảnh giác rồi. Những người trước đây lầm lỡ tin theo thì nay đã cố gắng làm ăn phát triển kinh tế, giúp đỡ bà con lối xóm để xóa đi những lỗi lầm từng gây ra”.
Gia đình ông Rơ Châm Mreng (56 tuổi), dân tộc Ja rai hiện sinh sống tại làng Vân, thị trấn Yaly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Mới ngày nào ông còn nơm nớp lo âu, luôn đề phòng những người xung quanh chỉ vì hai vợ chồng tham gia hoạt động tôn giáo bất hợp pháp tại nhà, thì nay vợ chồng ông cởi mở hòa nhập cộng đồng vì đã tìm ra được tín ngưỡng đúng đắn cho mình. Hiện nay, vợ chồng Rơ Châm Mreng đã có nhà cửa khang trang, phát triển kinh tế từ 2 héc ta cà phê, cùng các vật nuôi cho thu nhập vài trăm triệu mỗi năm.
“Mình quay trở lại, với lỗi lầm trước đây chấp nhận rằng đã không đúng. Bây giờ mình làm kinh tế để lo cho gia đình, lo cho con cái, lo cho cháu mình. Cảm ơn chính quyền, cảm ơn thôn làng cùng mặt trận đã khuyên nhủ mình quay về” - Ông Rơ Châm Mreng nói.
Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thiết thực hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế văn hoá. Hơn 148.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách đã được vay vốn giảm nghèo từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ các chương trình tín dụng lên tới 7.400 tỷ đồng. Hàng chục nghìn hộ dân đã vượt qua ngưỡng nghèo, hàng trăm công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã được xây dựng.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Gia Lai đã giải quyết việc làm cho hơn 110.000 lao động, trong đó có trên 35.000 lao động là người dân tộc thiểu số. “Chỉ thị 08” tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai như một dấu ấn đặc biệt, giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo động lực để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Đây là một trong những mô hình thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đối tượng hướng tới đó là hộ gia đình nghèo, cận nghèo là người dân tộc thiểu số. Những hộ dân này đã được các cấp các ngành tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ tiếp cận với các nguồn vốn, được hướng dẫn về phương pháp canh tác có hiệu quả để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đây là một trong những cách làm để người dân từng bước thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh”.- Ông Ral Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, khẳng định.
Ngày đầu năm 2025, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Tô Lâm, đã đến thăm và làm việc với cán bộ, nhân dân tỉnh Gia Lai. Tổng Bí thư nhấn mạnh, Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng là vùng đất có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng. Việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ an ninh biên giới, nâng cao đời sống người dân và bài trừ các thế lực thù địch là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
“Tây Nguyên trong đó có Gia Lai cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia với tinh thần nông thôn mới toàn diện, văn minh, bền vững gắn với cơ cấu bền vững lại nông nghiệp, tạo việc làm nông thôn, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng vươn lên làm giàu. Bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia, an ninh biên giới, tích cực nắm chắc tình hình, đề cao cảnh giác trước những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, những hoạt động nhen nhóm phục hồi Fulro”. - Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo.
Một mùa xuân mới lại về với Tây Nguyên, các buôn làng ở đây cũng bước vào mùa lễ hội. Tiếng cồng chiêng trầm tỏa qua những vườn cà phê, sầu riêng nở hoa thơm ngào ngạt và tiếng cười của trẻ thơ ríu rít trên sân trường đang đẩy lùi những âm mưu chia rẽ, phá hoại. Những vụ mùa thắng lợi liên tiếp, những công trình mới được xây dựng khắp nơi, những chính sách mới kịp thời ban hành, đang mở ra tương lai phồn thịnh cho cho cả khu vực./.
Viết bình luận