Trước khi xảy ra đại dịch Covid -19, rất nhiều phụ nữ DTTS huyện Mường Khương nói chung, thị trấn Mường Khương nói riêng đã đi làm thuê tại Trung Quốc và các khu công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid -19 xảy ra và kéo dài hơn 2 năm, những người đi làm thuê trở về địa phương, không có việc làm ổn định như trước, họ vất vả tìm sinh kế để có thu nhập cho gia đình.
Xuất phát từ mong muốn có việc làm và thu nhập ổn định của hội viên, Hội Phụ nữ thị trấn Mường Khương đã khảo sát thực tế và quyết định liên kết các hộ dân trồng ớt nhăn bản địa thông qua thành lập Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt Na Đẩy.
Bà Hà Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Mường Khương cho biết: Trồng cây ớt bản địa rủi ro khá cao, bởi nếu không chăm sóc cẩn thận, cây rất dễ bị sâu bệnh, có thể “trắng tay”. Cho nên, chỉ cần làm tốt khâu trồng, chăm sóc, thu hái theo đúng quy trình kỹ thuật thì sẽ hạn chế tối đa rủi ro. Hơn nữa, sản phẩm tương ớt vàng Mường Khương rất nổi tiếng, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Thời gian qua, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, diện tích trồng ớt bản địa bị thu hẹp, nghề làm tương ớt Mường Khương bị mai một. Chính vì vậy, việc trồng và chế biến tương ớt phù hợp với trình độ canh tác của người dân, có thị trường tiêu thụ ổn định, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả.
Sau khi chia sẻ về hướng đi và nhận được sự đồng thuận của hội viên, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Mường Khương đã bắt tay triển khai ngay. Việc đầu tiên chính là xây dựng liên kết giữa các hộ hội viên để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; tìm nguồn giống ớt bản địa chất lượng và phân bón cung cấp cho các hộ. Tiếp đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Mường Khương phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái. Trong quá trình triển khai, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Mường Khương luôn đồng hành với hội viên, phụ nữ, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, đồng thời hỗ trợ, chia sẻ với những hội viên khó khăn, từ đó tạo động lực và tiếp thêm niềm tin cho hội viên vào cây trồng này.
Sau 1 năm triển khai, đã có 160 hộ do phụ nữ làm chủ tham gia trồng ớt bản địa, với diện tích lên tới 9 ha tại các thôn: Sa Pả, Lao Chải, Na Đẩy, Sả Hồ. Hiện, đang vào vụ thu hoạch quả ớt, trung bình mỗi tuần thu hoạch 2 lần. Những hộ trồng với diện tích lớn cho thu hoạch khoảng 300 kg quả/tuần, thu nhập từ 6 -7 triệu đồng/tuần; hộ trồng với diện tích nhỏ cũng cho thu nhập 3 triệu đồng/tuần. Không chỉ thu mua ớt do hội viên, phụ nữ trên địa bàn thị trấn trồng mà Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt Na Đẩy còn mở rộng thu mua tại các xã Thanh Bình, Nậm Chảy, Nấm Lư. Tổng lượng ớt quả mà Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt Na Đẩy thu mua vào chính vụ lên tới 10 - 12 tấn/tháng. Điều đáng nói, chất lượng sản phẩm tương ớt bản địa Mường Khương được đánh giá cao và được thị trường đón nhận.
Bà Phàn Thị Quý, dân tộc Dao, thôn Sả Hồ cho biết: Trồng ớt bản địa tuy cần nhiều công chăm sóc nhưng cho thu nhập cao hơn trồng ngô. Thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ớt để tăng thêm thu nhập.
Việc liên kết sản xuất ớt ở thị trấn Mường Khương đã mang lại hiệu quả “kép”. Về hiệu quả kinh tế, hội viên, phụ nữ trên địa bàn đã có việc làm và thu nhập thường xuyên, góp phần cải thiện kinh tế cho gia đình. Về hiệu quả xã hội, nâng cao quyền năng kinh tế, vị thế của phụ nữ, góp phần thực hiện bình đẳng giới, nhất là đối với hội viên, phụ nữ DTTS.
Với những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Mường Khương tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên trên địa bàn tham gia liên kết, mở rộng diện tích trồng ớt bản địa, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất, góp phần giữ vững thương hiệu tương ớt Mường Khương. Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Mường Khương sẽ đề xuất với các ngành chức năng của huyện quan tâm, hỗ trợ để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tương ớt của Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt Na Đẩy do phụ nữ làm chủ./.
Viết bình luận
Tin liên quan
Bưởi đường - Cây thoát nghèo ở Tuyên Quang
VOV4.VN - Được người tiêu dùng tin tưởng, cây bưởi đường đã giúp người trồng bưởi ở xã Xuân Vân có cuộc sống ngày càng ổn định. Cây bưởi đường giờ đây không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn là cây làm giàu của nhiều hộ dân trong xã.
Bưởi đường - Cây thoát nghèo ở Tuyên Quang
VOV4.VN - Được người tiêu dùng tin tưởng, cây bưởi đường đã giúp người trồng bưởi ở xã Xuân Vân có cuộc sống ngày càng ổn định. Cây bưởi đường giờ đây không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn là cây làm giàu của nhiều hộ dân trong xã.
Hành trình thoát nghèo của người dân biên giới Pu Lau.
VOV4.VN - 5 năm trở lại đây, đồng bào Mông ở xã biên giới Mường Nhà tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngô, sắn, lúa nương sang trồng dứa và cây dứa trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân xóa đói giảm nghèo.
Hành trình thoát nghèo của người dân biên giới Pu Lau.
VOV4.VN - 5 năm trở lại đây, đồng bào Mông ở xã biên giới Mường Nhà tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngô, sắn, lúa nương sang trồng dứa và cây dứa trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân xóa đói giảm nghèo.