Người Xơ Đăng no ấm từ màu xanh của rừng
Thứ năm, 07:57, 23/01/2025 Nguyễn Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên Nguyễn Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Bốn năm qua, tỉnh Kon Tum đã trồng mới được gần 18.000 héc- ta rừng, vượt gần 3.000 héc- ta mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra. Không chỉ về đích sớm, quá trình triển khai thực hiện nghị quyết về trồng rừng gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” đã giúp người dân thay đổi nhận thức từ phá rừng chuyển sang trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng. Vui mừng hơn nữa là nhờ giữ được màu xanh của rừng người dân có điều kiện để phát triển kinh tế từ rừng mang lại thu nhập bền vững.

 

Năm nay là năm thứ 2 anh A Linh, nhà ở làng Đăk Ka, xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, nhân viên Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tu Mơ Rông đón giao thừa và ăn Tết trong rừng. Kể về cơ duyên thành người canh giữ màu xanh của rừng ai cũng bất ngờ về trường hợp của A Linh.

Cách đây hơn 4 năm do nhu cầu mưu sinh thúc ép A Linh đã phá rừng làm rẫy để rồi phải thụ án 2 năm tù giam. Cuối năm 2021 trở về địa phương, nhờ tích cực lao động sản xuất, đi đầu trong tuyên truyền vận động dân làng không phá rừng làm nương rẫy và trồng lại rừng A Linh được Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tu Mơ Rông tin tưởng tiếp nhận vào làm nhân viên. A Linh cho biết, bản thân như mắc nợ với rừng nên càng tích cực bảo vệ rừng tốt hơn.

“Ngày xưa mình lầm lỡ chỉ nghĩ được phá rừng mới có đất sản xuất mới có lúa, mì để ăn. May mà hiểu ra sớm, giờ mình tuyên truyền để bà con trong làng cùng bảo vệ rừng. Giữ được rừng, trồng thêm được rừng mang lại nhiều lợi ích, đất đai không bị xói mòn, bảo vệ được nguồn nước, trồng được dược liệu dưới tán rừng rồi khai thác nhựa thông. Rừng càng lâu càng quý càng thu lợi được nhiều từ rừng”, anh Linh nói.

Ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum trường hợp phải đi tù về tội phá rừng rồi trở thành người bảo vệ rừng là hiếm có và đặc biệt. Thế nhưng thay đổi trong nhận thức của người Xơ Đăng từ phá rừng để làm nương rẫy chuyển sang trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng lại đang rất phổ biến. Bốn năm qua, huyện Tu Mơ Rông đã trồng mới được hơn 2.000 héc- ta rừng và hơn 1 triệu 200 nghìn cây phân tán.

Điều đặc biệt là nhiều diện tích bà con Xơ Đăng tự bỏ tiền ra trồng trên những nương rẫy canh tác lâu năm bạc mầu. Ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, cho biết, mấu chốt là dưới sự hướng dẫn của chính quyền địa phương người dân khi chuyển sang trồng rừng vẫn đảm bảo được thu nhập cho gia đình.

“Đa số diện tích trồng rừng đều là đất canh tác của bà con do đó bà con trồng xen. Thực tế mà nói thì việc trồng xen với các loại cây khác cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc phát triển của cây rừng. Tuy nhiên đó cũng là một trong những giải pháp để đảm bảo cuộc sống của bà con. Ví dụ như nhiều hộ trồng dứa này và một số thì buộc phải xen canh với cây mì để mà lấy ngắn nuôi dài đảm bảo cuộc sống ban đầu cho bà con”, ông Duong nói.

Cùng với trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, người Xơ Đăng ở Kon Tum còn đang rất tích cực trong việc phát huy lợi thế từ rừng tự nhiên để trồng  dược liệu phát triển kinh tế gia đình. Hơn 4 năm qua từ việc trồng cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên, gần 2.000 hộ dân Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông đã xoá được nghèo, giúp hàng trăm hộ trở lên giàu có và đặc biệt có hộ thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Anh A Tụ, nhà ở làng Pu Tá, xã Măng Ri có vườn sâm Ngọc Linh với 800 gốc từ 1 đến 5 năm tuổi tự tin cho biết, bảo vệ được rừng tự nhiên và trồng được sâm Ngọc Linh là không lo nghèo.

“Cây sâm Ngọc Linh cho thu nhập của gia đình mình tăng lên. Gia đình mình giờ đã thoát nghèo bền vững rồi không còn trông chờ ỷ lại Nhà nước nữa. Mình tự vay thêm vốn ngân hàng trồng thêm sâm dưới tán rừng. Có cây sâm nhiều tuổi, có cây sâm ít tuổi lúc nào cũng có thu nhập con cái học hành đầy đủ. Mình đã mua được xe máy hi vọng rồi mua ô tô”, anh Tụ nói.

Bốn năm qua tỉnh Kon Tum đã trồng mới được gần 18.000 héc- ta rừng, vượt gần 3.000 héc- ta mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra. Cùng với đó các địa phương trong tỉnh còn trồng được hơn 3 triệu 600 nghìn cây phân tán. Lĩnh vực lâm nghiệp đang tạo ra công ăn việc làm cho hơn 24.000 lao động của tỉnh, trong đó phần lớn là lao động người dân tộc thiểu số.

Trong không khí đầu năm, xuân mới, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cho biết, cánh cửa màu xanh của rừng đang tiếp tục mở ra tương lai tươi sáng hơn nữa khi mà Luật đất đai 2024 cho phép người dân được trồng dược liệu ngay cả dưới tán rừng đặc dụng.

“Tại điều 248 Luật đất đai sửa đổi cho phép được trồng dược liệu dưới tán rừng trong rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất. Trong năm 2024 đã có Nghị định 91 của Chính phủ hướng dẫn sửa đổi Nghị định 156 về hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp trong đó có hướng dẫn vấn đề trồng dược liệu dưới tán rừng. Thực hiện được nội dung này người dân vừa phát triển kinh tế và vừa bảo vệ rừng có nguồn thu ổn định, bền vững, lâu dài”, ông Tuấn nói.

Nhờ thay đổi được nhận thức về rừng của người dân, 4 năm qua số vụ vi phạm lâm luật ở tỉnh Kon Tum giảm mạnh. 550.000 héc- ta rừng tự nhiên cùng gần 64.000 héc- ta rừng trồng của tỉnh được quản lý bảo vệ tốt. Cùng với đó tỉnh cũng nâng được diện tích cây dược liệu với chủ yếu trồng dưới tán rừng lên hơn 10.800 héc- ta, trong đó riêng cây sâm Ngọc Linh hơn 2.900 héc- ta. Với quyết tâm phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, việc giữ được màu xanh của rừng đang giúp người Xơ Đăng nói riêng và người dân tỉnh Kon Tum nói chung có điều kiện để phát triển kinh tế rừng mang lại thu nhập bền vững và cuộc sống ấm no./.

Nguyễn Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC