Tháng 2/2001, dưới sự giật dây của Ksor Kơk - kẻ cầm đầu tổ chức FULRO lưu vong tại Mỹ, nhiều người dân tộc thiểu số bị kích động đã tham gia biểu tình gây bạo loạn. Trong đó, ông Ybome (thường gọi là Ja Na - 68 tuổi), ở làng Ring Rai, xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai được xem như một "tướng lĩnh" tự phong của tổ chức FULRO từng gây xôn xao trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
Sau vụ việc, Ja Na bị tuyên án 12 năm tù với tội danh “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”. Trong quá trình cải tạo, ông Ybome nhận ra những sai lầm của bản thân. Sau khi mãn hạn, ông quay về địa phương, cần mẫn lao động và bắt đầu xây dựng cuộc sống mới.
“Hồi đi bạo loạn, bạo động, biểu tình, giờ nghĩ lại trước đây tự nhiên nước mắt tôi chảy. Rốt cuộc bà con trong buôn làng gánh lấy hậu quả, tôi phải đi tù. Giờ về làng tôi giải thích cho bà con hiểu chương trình đại đoàn kết là như thế nào, tầm quan trọng là phải có sự đại đoàn kết thì mới thắng được tất cả” - Ông Ybome kể.
Còn với ông Siu Un, 59 tuổi, trú tại thôn Tân Điệp 1, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, người đã trải qua 16 năm cải tạo trong tù, đời thường là một động lực để lấy lại niềm tin. Tháng 6/2022, ông trở về sinh hoạt trong chi hội tin lành ở thôn, thuộc Tin lành Truyền giáo Cơ Đốc - một tôn giáo hợp pháp. Ông Siu Un giờ đã không còn tự ti, mặc cảm, không còn bị các đối tượng phản động bên ngoài lôi kéo. Ông thường chia sẻ câu chuyện về quá trình lầm lạc và trở về với đức tin của mình, giúp bà con trong làng phân biệt được đúng sai.
“Mình phải quay về với đức tin thôi, quay về với tôn giáo thuần túy. Khi trở về, Đảng, Nhà nước, chính quyền đối xử tốt với mình. Tôi cũng muốn bà con làng xóm, các nơi như ở Đắk Lắk, Gia Lai… những người nào đang dính đến tin lành Đề Ga thì nên quay về với đức tin, quay về với tôn giáo thuần túy đã được Đảng và Nhà nước cho phép” - Ông Siu Un chia sẻ.
Để con đường trở về với cộng đồng, với đức tin chân chính thêm rộng mở, những năm qua, tỉnh Gia Lai đã triển khai mô hình “Trở về đức tin - giữ bình yên thôn làng”, với sự tham gia của 4 lực lượng: Đảng viên, người có uy tín, các chức sắc, tôn giáo và những người từng lầm lỡ tin theo Fulro.
Là trưởng điểm nhóm Tin lành Việt Nam (miền Nam), cũng là Trưởng ban công tác mặt trận thôn Sô Ma Lơng, xã Chrôn Pơnan, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, ông Kror Đuing cho biết, mình cùng với các cấp chính quyền vận động được nhiều người từ bỏ tin lành Đề Ga để thực hành tín ngưỡng tôn giáo đúng pháp luật.
“Chính quyền địa phương luôn luôn quan tâm đến chúng tôi, tạo điều kiện để chúng tôi sinh hoạt tôn giáo bình thường. Cũng kêu gọi anh em lầm đường lạc lối quay về. Đầu tiên chúng tôi đón nhận 13 hộ gia đình thôi, nhưng dần dần tới bây giờ là hơn 300 người. Những người lầm đường lạc lối chúng tôi kết hợp truyền đạo và phối hợp với ông Siu Un đi từng nhà vận động, khích lệ, luôn tuyên truyền họ chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước” - Ông Kror Đuing nói thêm.
Theo ông Ra Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, bằng những nội dung nhân văn và đúng đắn, mô hình “trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” ở địa phương đang tạo môi trường thân để những người từng lầm lạc được sống, lao động, tự nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân và đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng:
Ông Ra Lan Chung cho biết: “Thời gian vừa qua thì đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia giải quyết những việc khó khăn của các đối tượng đã tham gia Fulro khi trở về với cộng đồng, cảm hóa, giáo dục, thuyết phục để họ không tiếp tục quay lại với các hoạt động chống phá. Trên địa bàn các huyện của tỉnh đang thực hiện mô hình “Trở về đức tin - giữ bình yên thôn làng” chúng tôi đánh giá rất cao về tính hiệu quả, sự thiết thực. Mô hình này đã được Bộ Công an đánh giá và xác định Gia Lai là một trong những nơi tiếp tục thực hiện và nhân rộng mô hình không những của Gia Lai mà của các tỉnh Tây Nguyên”.
Từ “Hành trình từ lầm lỡ trở về với buôn làng Tây Nguyên” của những người một thời lạc lối, nghe theo xúi giục của tổ chức tin lành Đề Ga, có thể thấy, những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và cộng đồng tại tỉnh Gia Lai trong việc thực hiện mô hình "Trở về đức tin - giữ bình yên thôn làng" đã mang lại những kết quả hữu hiệu. Mô hình không chỉ giúp những người từng lầm đường tìm lại được niềm tin và hướng đi đúng đắn, mà còn góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết - phát triển.
Viết bình luận