Sóc Trăng: Nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc
Thứ sáu, 10:56, 29/12/2023 Thạch Hồng/VOV ĐBSCL Thạch Hồng/VOV ĐBSCL
VOV4.VOV.VN - Tỉnh Sóc Trăng có gần 1,2 triệu người, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm trên 35%. Hiện nay, tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cơ bản được bảo đảm ổn định, công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt trên các lĩnh vực, như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình, dự án, chính sách có liên quan được các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai thực hiện, đạt được kết quả tích cực.

 

Tại một quán nước của ấp Bưng Lức, xã Trung Bình, trong một ngày cuối năm, không khí lớp học về chăn nuôi gà cho bà con ở vùng nông thôn khá sôi nổi. Đây là lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với mục tiêu tăng kỹ năng, chất lượng lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

18 học viên là đồng bào dân tộc Khmer sau khi được tìm hiểu và tư vấn đã quyết định chọn mô hình chăn nuôi gà để đào tạo, bởi phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện của bà con. Ông Lâm Hol, ở ấp Bưng Lức, học viên lớp học chia sẻ, hiện nay ông ở nhà nuôi cháu, gia đình không sản xuất gì, thu nhập chỉ dựa vào tiền các con đi làm công nhân ở tỉnh ngoài, sau khi nghe địa phương mở lớp học chăn nuôi gà cho lao động nông thôn, ông liền đăng ký tham gia với mong muốn tạo thêm việc làm, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.

Năm nay, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề đã mở được 144 lớp đào tạo nghề với hơn 2.600 học viên tham gia, tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp và nghề nông nghiệp. Để nâng cao hiệu quả đào tạo, Trung tâm cũng hỗ trợ 158 mô hình mẫu cho các lớp đào tạo nghề nông nghiệp để học viên thực hành và thực hiện như: mô hình chăn nuôi gà, nuôi dê, chăn nuôi Bò, nuôi thuỷ, chăn nuôi heo, trồng nấm rơm...

"Các mô hình thì được giáo dục truyền đạt các kiến thức cơ bản về lý thuyết. Còn thực hành thì giáo viên sẽ cầm tay chỉ việc cho bà con. Các mô hình thí điểm đều huy động học viên lại hướng dẫn, như: cách xây dựng chuồng trại phù hợp, thích hợp môi trường chăn nuôi, kỹ thuật cho ăn… chúng tôi luôn tận dụng với giáo viên, vì vậy mà các mô hình đào tạo cho bà con đều đạt được hiệu quả." - Ông Hồ Văn Liêm, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề cho biết.

Số lao động sau khi đã học xong có việc làm đạt tỷ lệ gần 94%; trong đó có 19 lớp đan hàng thủ công mỹ nghệ được cơ sở Huy Kỳ bao tiêu sản phẩm trên 81%, một số học viên còn nhận đan giỏ theo nhu cầu của khách hàng có mức thu nhập khá ổn định. Đối với nghề nông nghiệp, sau khi học nghề xong lao động tự tạo việc làm, như: chăn nuôi và trồng trọt tại nhà từ đó mức thu nhập được tăng lên, giúp lao động cải thiện được cuộc sống.

Ghé thăm gia đình ông Thạch Sưa, ở thị trấn Lịch Hội Thượng, chúng tôi được nghe ông tâm sự về quá trình vươn lên của gia đình từ mô hình chăn nuôi dê. Sau khi được tạo điều kiện tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất, được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc dê, ông quyết định xây dựng chuồng trại, bắt giống về nuôi. Mô hình đã giúp ông có thêm thu nhập mỗi năm từ 40-50 triệu đồng trong nhiều năm liền.

"Nuôi dê thì lời, bởi mình chỉ ra công sức, vốn nhẹ, không như mình nuôi heo, đòi hỏi vốn nhiều, nhất là thức ăn. Đối với dê thì chỉ tốn sức cắt cỏ. Ban đầu tôi nuôi 2 con, lúc đó, giá mỗi con 5 triệu đồng. Sau đó, nhờ được nhà nước cho vay vốn 15 triệu, tôi tiếp tục đầu tư mua thêm 3 con về nuôi. Nhà tôi thì có cây tre, mình tận dụng làm chuồng trại, sau đó dê sinh con, tôi rất phấn khởi." - Ông Thạch Sưa cho biết.

Gia đình chị Lâm Thị Thu Linh, ngụ ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng, là một trong những hộ điển hình của sự vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Sự cần cù của 2 vợ chồng đã giúp gia đình hiện nay xây dựng được căn nhà tươm tất. Chồng chị là anh Thạch Thái Dương làm nghề thợ hồ, mỗi ngày kiếm được trên 200 ngàn đồng, ngoài ra anh còn thuê thêm 4 công đất ruộng để trồng lúa. Đối với chị Linh, bên cạnh chăm sóc nhà cửa, chị còn nuôi thêm gà, vịt để bán kiếm lời. Mới đây, 2 vợ chồng chị được địa phương hỗ trợ 1 con bò giống, đồng thời được xét vay vốn phát triển sản xuất 20 triệu đồng, chị dự định sẽ làm thêm nghề chăn nuôi heo. Đây chắc chắn là điều kiện để gia đình vươn lên, thoát nghèo bền vững.

Trong thời gian qua, huyện Trần Đề luôn coi việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là đòn bẩy để giúp người dân phát triển kinh tế, đặc biệt là người nghèo. Qua đó, các dự án, tiểu dự án luôn được triển khai một cách tích cực. Điều phấn khởi nhất là đã đưa được các chính sách đến với người dân, giúp cho người dân có thêm kiến thức, có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế. Đặc biệt làm cho người dân thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, qua đó tạo được sự tin tưởng, sự gắn bó giữa dân với Đảng ngày càng khăng khít hơn.

Ông Trịnh Văn Bé,  Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của huyện đều giảm trên 1,5%/năm. Cụ thể năm 2023, số hộ nghèo giảm trong năm là 477 hộ, đạt 106% kế hoạch năm; hộ Khmer nghèo giảm 293 hộ, giảm gần 2,1%, đạt hơn 104% kế hoạch năm; số hộ cận nghèo giảm 451 hộ, giảm tương đương 1,5%.... 

"Địa phương còn tăng cường thực hiện một số chính sách khác như: hỗ trợ về y tế như cấp BHYT cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số...; Từ các nguồn vốn hỗ trợ triển khai xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ vay vốn tính dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo theo Thông tư 190/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính." - Ông Trịnh Văn Bé cho biết thêm.

Từ những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và địa phương đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Trần Đề, sự tác động tích cực hiệu quả của chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện đã làm thay đổi nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất  lượng cuộc sống./.

Thạch Hồng/VOV ĐBSCL

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC