Trồng mận từ năm 2000, sau nhiều năm phát triển mở rộng, hiện gia đình anh Giàng Seo Tráng, ở thôn Lả Dì Thàng, xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã có trên 200 gốc mận Tả Van, mận Hậu và mận Tam Hoa. Từ năm 2018, gia đình anh tiếp tục tăng gia bằng cách trồng xen 0,5 ha Cát cánh dưới tán mận, mỗi năm cho thu thêm gần 100 triệu đồng từ thu hoạch củ.
Anh Tráng chia sẻ: Cát cánh 1 năm cho thu củ 1 lần nhưng không phải lo về đầu ra cho sản phẩm, giá thành cao nên chúng tôi cũng yên tâm để trồng. Hàng năm, ngoài Cát cánh, chúng tôi vẫn có thu nhập ổn định từ cây mận.
Ảnh minh họa- Nguồn: KT
Áp dụng mô hình tương tự như anh Tráng, gia đình chị Tráng Thị Sở ở thôn Xà Ván Sừ Mần Khang, xã Tả Van Chư (Bắc Hà) dù mới trồng, nhưng cũng bước đầu có thu nhập từ cả mận và cát cánh với mức khoảng 80 triệu đồng/năm.
Chị Sở cho biết: Thấy bà con trồng thì mình cũng học hỏi làm theo, trồng cát cánh thích hợp với vùng đất này và cho kinh tế hiệu quả rõ rệt. Mình chăm cây cát cánh thì cây mận cũng có thêm dinh dưỡng để phát triển, nên rất thuận lợi.
Người vùng cao một khi tận mắt thấy hiệu quả, họ sẽ tin. Nếu như năm 2016, toàn xã Tả Van Chư của Bắc Hà chỉ có 1 ha diện tích trồng dược liệu dưới tán cây ăn quả, thì đến nay đã phát triển lên gấp 6 lần.
1 ha diện tích trồng dược liệu dưới tán cây ăn quả, thì đến nay đã phát triển lên gấp 6 lần - Ảnh: KT
Để hỗ trợ người dân, cán bộ khuyến nông xã cũng thường xuyên trực tiếp đến cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc.
Anh Trần Văn Sơn, cán bộ khuyến nông xã Tả Van Chư cho biết: Ngoài vận động bà con phát triển diện tích nâng cao thu nhập thì chúng tôi cũng hướng dẫn bà con kĩ thuật phủ nilong, đục lỗ và xuống giống. Sau khi cây mọc mầm thì chúng tôi hướng dẫn bà con giai đoạn bón thúc cho cây và giai đoạn xuống củ.
Hiện Bắc Hà có trên 100 héc ta diện tích trồng cây dược liệu; 1/3 số đó được trồng xen kẽ dưới tán cây ăn quả, tập trung chủ yếu ở các xã Tả Van Chư, Lùng Phình, Lùng Cải.
Hiện Bắc Hà có trên 100 héc ta diện tích trồng cây dược liệu - Ảnh: KT
Đánh giá về mô hình này, ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bắc Hà cho biết: Trồng cây ăn quả lâu năm thì trong giai đoạn kiến thiết ban đầu từ 3-5 năm thì trồng thêm cây dược liệu tăng thêm hiệu quả sử dụng đất, lấy ngắn nuôi dài giúp bà con tăng thu nhập. Trong quá trình chăm sóc cây dược liệu thì cũng chăm sóc cho cây mận luôn thì đó là một trong những lợi ích kép.
Trồng cây dược liệu dưới tán cây ăn quả đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp của vùng cao Bắc Hà. Cách làm này không chỉ góp phần bảo tồn các loại dược liệu quý mà còn giúp người dân tìm thấy cơ hội thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương./.
An Kiên/VOV Tây Bắc
Viết bình luận