Người phụ nữ lao động chính trong nhà bị mất hết bàn tay
Thứ hai, 00:00, 25/06/2018 Thu Hòa Thu Hòa
Chị Long Thị Đương, dân tộc Nùng ở xóm Nà Liển, xã Bình Dương, huyện Hòa An, Cao Bằng, bị máy ép nhựa cán đứt 1 bàn tay. Là người lao động chính trong nhà, giờ đây, chị trở thành người tàn phế, phải trông mong vào hai đứa con và người chồng bệnh tật.


Trong khi đang làm việc, do sơ suất, chị Long Thị Đương bị đứt rời từng ngón tay, chị được sơ cứu nhanh và đưa thẳng lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội ngay trong đêm.  

Sống cùng người chồng đau yếu và bố mẹ chồng già không còn khả năng lao động, suốt mấy năm nay chị Đương trăn trở mãi, làm gì để gia cảnh bớt túng bấn? Xoay sở quanh vài sào ruộng nuôi 2 con ăn học hết cấp 3, cũng là nỗ lực rất lớn của người mẹ. Rồi khi việc học hành của con đã ổn, chị quyết định xuống Bắc Ninh làm công nhân nhà máy nhựa, hy vọng với đồng lương ít ỏi nhưng ổn định, khó khăn sẽ bớt phần nào.

Vậy mà làm việc mới được 2 tháng, thì trong lần đứng máy, không may chị Đương bị máy ép nhựa cán đứt bàn tay phải. "Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay"- vậy mà chị Đương - lao động chính trong nhà lại bị đứt bàn tay phải.

Có lẽ ít gia cảnh nào đặc biệt như gia cảnh chị Đương. Chị và cô con gái chân yếu tay mềm thì đi làm ăn xa, gom góp chút ít gửi về gia đình. Con trai chị Đương, lẽ ra là lao động chính, lại phải vừa trông nom ông bà già cả và bố đau ốm, vừa quản việc nhà, việc ruộng nương. Giờ đây, bàn tay không còn lành lặn, chị Đương biết trông chờ vào đâu?

 

Mọi khoản chi phí ở Viện 108, chị Đương được bảo hiểm thanh toán và công ty hỗ trợ 80%, nhưng với 20% còn lại, dù gia đình đã cố gắng cũng không thể đáp ứng được. Bởi theo các bác sĩ, chị còn phải dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn nặng và trị liệu một thời gian dài mới có thể tự phục vụ việc sinh hoạt cho cá nhân.

Chị Đương đến viện  trong tình trạng rất nặng, ngón 2 mất hoàn toàn, chỉ còn có tí gân và da, hoại tử, ngón 3-4-5 bị dập nát cả xương nhưng vẫn còn mạch máu để nuôi dưỡng nên các bác sĩ đã cố gắng phục hồi tối đa bàn tay để trở lại công việc lao động làm ăn cho chị. Chức năng của 3 ngón này sẽ trở lại 80%, hy vọng sau này chị vẫn phục vụ cho cuộc sống được, tuy chỉ lao động cơ bản và cầm nắm lớn thôi. 

Nhưng sau lần đầu tiên này, khi các vết thương và xương liền hết, các y bác sĩ sẽ tiến hành mổ 1 lần nữa, cố định ổ gãy của ngón tay. Để tránh cứng khớp, 5-6 tuần sau khi khám lại sẽ trị liệu, hướng dẫn tập phục hồi chức năng của bàn tay.

Như vậy, chặng đường điều trị của chị Long Thị Đương sẽ còn kéo dài, nếu không có chi phí, chị biết cầm cự được đến bao lâu, hay lại ngậm ngùi chịu cảnh mình là gánh nặng của cả gia đình?

Chị Đương giờ chỉ mong có một phép màu, rút ngắn quãng thời gian điều trị...Với chị Đương, nếu có khoảng 10-15 triệu đồng là hy vọng có đủ chị phí điều trị.   Chị Đương đang rất cần những tấm lòng sẻ chia của quý vị. Số ĐT liên hệ: 0243.8255.667.

Thu Hòa

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC