Để xả hơi sau một năm làm việc vất vả, nhiều áp lực, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh ở thành phố Hồ Chí Minh đã chọn huyện Kbang, tỉnh Gia Lai làm điểm đến để khám phá, nghỉ dưỡng. Bà Hạnh cho biết, để được khám phá văn hoá bản địa, gia đình bà lựa chọn lưu trú trong homestay trong làng kháng chiến Stơr, xã Tơ Tung. Chỉ sau 2 ngày ở đây, cả nhà đã rất ấn tượng với những món ăn truyền thống mộc mạc nhưng rất ngon miệng như gà nướng ăn với cơm lam, chấm muối vừng; lá mì cà đắng, heo nướng trong ống lồ ô… Ở đây, bà Hạnh còn được xem các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca, đan lát, dệt vải. Tất cả những điều đó cùng sự thân thiện của người dân địa phương khiến bà Hạnh thêm quý mến con người và văn hoá Tây Nguyên.
Du khách khám phá văn hoá cồng chiêng của người Bahnar .
Ông Đinh Grêng (SN 1964) ở làng kháng chiến Stơr, xã Tơ Tung cho biết, mỗi ngày khu di tích làng kháng chiến Stơr đón trung bình từ 20 đến 30 khách từ nhiều tỉnh thành tới thăm quan. Vì thế, với sự hướng dẫn của cán bộ văn hoá huyện, người dân trong làng bảo ban nhau giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; không xả rác, bảo vệ cây xanh để giữ gìn cảnh quan. Những gia đình phục vụ lưu trú cho khách còn được tập huấn thêm về chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh, kỹ năng giao tiếp với khách lưu trú. Đội chiêng làng Stơr mà ông là thành viên cũng cố gắng đánh những bài chiêng vui tươi, rộn rã nhất để giới thiệu cho du khách về nghệ thuật độc đáo của dân tộc mình.
Một đội chiêng nữ ở huyện Kbang.
Ông Nguyễn Đình Chi, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Kbang cho biết, hiện nay địa phương có 4 làng du lịch cộng đồng là làng Chiêng (thị trấn Kbang), làng Mơ Hra, làng Kjang (xã Kông Lơng Khơng) và làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung). Từ năm 2017 tới nay, UBND huyện Kbang đã ban hành 2 kế hoạch về việc phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương. Theo đó, từ nay tới 2025, huyện xác định sẽ xây dựng được 7 làng du lịch cộng đồng ở các xã Sơn Lang, Tơ Tung, Krong, Đăk Krong, Kông Lơng Khơng và thị trấn Kbang, đáp ứng được nhu cầu du lịch của trên 20 nghìn khách mỗi năm. Theo đó, các địa phương đang thực hiện các công việc cụ thể như khôi phục lại các nghề truyền thống như sản xuất rượu cần, nghề đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, các loại công cụ, đồ dùng sinh hoạt thường ngày của người dân... để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm. Cùng với đó, hiện nay huyện cũng đang duy trì được 90 đội chiêng trẻ em, cùng hàng trăm đội chiêng của các làng nhằm bảo tồn không gian văn hoá cồng chiêng.
Loại hình du lịch cộng đồng ở huyện Kbang đang là hướng phát triển kinh tế bền vững, vừa giúp địa phương khai thác được lợi thế lịch sử, mà còn giúp bảo tồn văn hoá truyền thống Bahnar hiệu quả, thiết thực hơn../.
VOV Tây Nguyên
Viết bình luận