Hòa Bình: Phát triển du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp tạo sinh kế cho người dân
Chủ nhật, 19:35, 24/11/2024 Mạnh Phương/VOV1 Mạnh Phương/VOV1
VOV4.VOV.VN - Từ năm 2021, thực hiện đề án về phát triển dịch vụ du lịch, ngành du lịch tỉnh Hòa Bình đã chuyển dịch cơ cấu theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, gắn với thế mạnh là các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp địa phương mang đậm bản sắc dân tộc.

 

Bản Lác ở xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có trên 100 hộ đồng bào người Thái sinh sống. Trước đây, dân bản chỉ sống dựa vào nghề trồng lúa, làm nương, nhưng hiện nay Bản Lác đã được du khách trong và ngoài nước biết đến. Theo thời gian, tư duy làm kinh tế dịch vụ du lịch đã hình thành trong ý thức của mỗi người dân nơi đây. Chị Vì Thị Mai, ở Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (cháu nội ông Hà Công Nhấm là người làm du lịch đầu tiên ở Bản Lác) cho hay: Du khách đến với Bản Lác sẽ được thưởng các món ăn ngon đặc trưng địa phương như thịt trâu sấy, lợn bản, xôi nếp, cơn lam, rượu cần, những làn điệu ca vũ đặc trưng của đồng bào người Thái.

"Thường du khách đến thì muốn tìm hiểu về văn hóa, tìm hiểu những món ăn, ẩm thực ở đây. Mua về làm quả ở đây có cơm lam, thịt gác bếp đúng tự tay ở bản làm thì mới bán cho khách, không mua nơi khác về bán sợ không đảm bảo", chị Mai nói.

Hồ Thủy điện Hòa Bình nằm trên địa bàn thành phố Hòa Bình và 4 huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, với cảnh quan sơn thủy hữu tình, vẻ đẹp hoang sơ được ví như Hạ Long trên núi. Hiện trên vùng hồ có gần 5.000 lồng nuôi cá, của các hộ gia đình và doanh nghiệp, sản lượng trung bình hàng năm đạt gần 10.000 tấn. Là một trong số những đơn vị sớm kết hợp nuôi cá lồng với làm du lịch, ông Hà Văn Cương, Giám đốc Hợp tác xã Passsion Hòa Bình, cho biết: Cùng với nuôi cá lồng hợp tác xã kết hợp xây dựng các khu nhà nổi làm nhà hàng, homestay phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả hợp tác xã cũng cần có thêm sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành. 

"Nhà nước cũng quan tâm hỗ trợ đấy nhưng đang trong chương trình thôi. Nhà nước cũng muốn hỗ trợ về giống, thức ăn, kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản cho bà con, hợp tác xã cũng đang lập dự án, nếu được hỗ trợ tôi tin rằng đời sống bà con sẽ được cải thiện.", ông Cương cho biết thêm.

Khu Du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng tổng thể phát triển du lịch cho khu vực. Hiện tỉnh Hòa Bình đang ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi cá lồng, xây dựng mô hình nuôi cá công nghệ cao thân thiện với môi trường gắn với du lịch khu vực hồ Hòa Bình. Ông Lương Thanh Hải, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình, cho biết: Phát triển nuôi cá lồng không chỉ đặt mục tiêu về số lượng, tránh đầu tư ồ ạt để đảm bảo môi trường, cảnh quan để phát triển du lịch.

"UBND tỉnh Hòa Bình đang giao cho Sở NNPTNT và Chi cục Thủy sản xây dựng đề án phát triển nuôi cá kết hợp du lịch. Trong đề án sẽ nuôi những giống cá thế mạnh như trắm đen, trắng và cá bản địa như lăng, chiên.. Chúng tôi nuôi sẽ kết hợp với du lịch trải nghiệm, người dân đến xem, chăm sóc và thưởng thức chính cá ở lòng hồ đem lại", ông Hải nói.

Hiện tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được gần 160 sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, du lịch theo tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 22 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Ông Hoàng Văn Tuân, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Vừa qua chúng tôi cũng hỗ trợ được 7 sản phẩm OCOP du lịch, các điểm du lịch đặc trưng của tỉnh Hòa Bình để thu hút du khách. Chúng tôi cũng hỗ trợ bằng nguồn lực từ trung ương, địa phương xây dựng những sản phẩm OCOP, bộ nhận diện, chỉ dẫn địa lý, tập huấn nâng cao cho đội ngũ quản lý, lễ tân, đào tạo ngoại ngữ cũng nhằm hỗ trợ phục vụ đề án phát triển du lịch của tỉnh"

Phát huy thế mạnh của địa phương là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao, văn hóa tâm linh. Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo nâng cao chất lượng loại hình du lịch trên lòng hồ thủy điện. Đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày, Mông. Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch tỉnh Hòa Bình, cho biết: Hàng năm tỉnh đều tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch nhằm giới thiệu những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, các điểm du lịch và bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây còn là cơ hội để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP đặc trưng, qua đó, tôn vinh, khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch của tỉnh Hòa Bình.

"Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, văn hóa, thể thao. Mở rộng các loại hình môn thể thao truyên thống của đồng bảo thiểu số cũng như  tổ chức các giải đua xe đạp, giải golf mang tầm quốc tế khu vực, phát triển thêm môn dù lượn để tăng sức cạnh tranh sản phẩm du lịch của tỉnh Hòa Bình với các tỉnh khác", ông Trường cho biết thêm.

Nhờ định hướng và làm tốt phát triển du lịch theo hướng bền vững, Hòa Bình ước đón khoảng 3.000.000 lượt khách du lịch, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước./.

Mạnh Phương/VOV1

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC