Con đường khúc khuỷu gần 2km từ trung tâm xã dẫn chúng tôi đến thung lũng Nà Sài, bản Nà Sài, xã Hua Păng, huyện Mộc Châu, Sơn La. Màu xanh của cây lá trong ráng chiều tạo một khung cảnh rất đỗi nên thơ nơi núi rừng Tây Bắc.
Anh Vì Văn Lương khoát tay về những vạt đồi trước mặt, không giấu nổi niềm vui: vườn cây của anh đã bói quả, đất không phụ công người. Bản đất rộng, người thưa, hơn 2ha đồi của gia đình anh đất bạc màu, trồng ngô, sắn không hiệu quả, nên nhiều năm anh không ngó ngàng tới.
Anh Vì Văn Lương chăm sóc vườn cam
Được Hội nông dân và chính quyền địa phương gợi mở chuyển hướng sản xuất, gần 2 năm trước, anh vay ngân hàng và mượn thêm anh em họ hàng, đầu tư 150 triệu đồng, thuê thêm 2 ha đất rồi trồng 3.000 cây cam Vinh, 500 gốc bưởi. Hợp đất, cây cứ thế lên xanh, nay bói quả.
"Nếu mỗi bản
thân mình, không có sự động viên của chính quyền có khi cũng không làm
được. Lúc mới trồng nhìn cây chưa ổn định thì cũng khá lo lắng. Bây giờ
thấy vườn xanh tốt, tôi cũng cảm thấy công mình lao động bỏ ra là xứng
đáng" - anh Lương bảo.
Chanh leo cho thu nhập cao
Gia đình anh Hà Văn Đồng, ở bản Muống, xã Phiêng Luông, dưới sự định hướng, hỗ trợ của chính quyền địa phương, đã chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng chanh leo. Đây là một trong các nông sản sạch đang được sản xuất và tiêu thụ theo mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp ở địa phương.
Năm
đầu tiên trồng, 350 hốc chanh leo của gia đình anh Đồng cho thu hoạch
hơn 10 tấn quả, thu về 100 triệu đồng. Theo anh Đồng: "nông dân thì ai
cũng vậy, rất cần có sự hỗ trợ hướng dẫn và đầu tư của các cấp, các
ngành thì mới có thể thoát nghèo được, không thì không thể làm được vì
người nông dân thường hiểu biết và học vấn không cao".
Đồi chè xanh mướt
Thống kê trong hơn một năm thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ huyện ủy về giảm nghèo bền vững, toàn huyện Mộc Châu đã thực hiện được 750 mô hình phát triển cây trồng, con nuôi, với tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện đã có 93 mô hình nông nghiệp tiên tiến hiệu quả. Toàn huyện đã chuyển đổi được trên 1.800 ha, gồm một số cây chủ yếu như: mận hậu, chanh leo, nhãn, xoài, cam....
Việc xây
dựng các mô hình được huyện triển khai theo hướng giao cho cấp ủy cơ sở
và người dân chủ động lựa chọn mô hình để đăng ký với huyện. Trên cơ sở
đó, huyện vận dụng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển mô hình.
Theo lãnh đạo các địa phương, cách làm này rất linh hoạt, hợp lý, giúp
phát huy tiềm năng, thế mạnh từng vùng; do vậy, tại các địa phương đã và
đang dần hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao.
Tuyết Lan - Thu Thùy/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận